Bệnh viêm gan siêu B là một bệnh thường gặp và được các bác sĩ tầm soát thường qui đối với phụ nữ mang thai. Việc tầm soát này nhằm giúp hạn chế khả năng lây truyền bệnh cho con. Do vậy chúng ta cần có những kiến thức đúng về bệnh và phối hợp tốt với bác sĩ để có những lời khuyên và cách thức điều trị phù hợp.
Trong hầu hết các trường hợp, người phụ nữ mang thai cũng có dấu chứng và đặc điểm của bệnh viêm gan siêu vi B cấp – mạn giống như người không mang thai. Trong giai đoạn cấp, người mang thai có thể có các triệu chứng từ không rõ ràng như sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, nổi ban trên da, đau vùng bụng trên, đau khớp… đến các dấu chứng gợi ý bệnh gan như vàng da, ngứa da, tiểu sậm màu…. Đối với người mẹ đã bị viêm gan mạn thì hoàn toàn không có triệu chứng đặc thù nào khi mang thai. Nếu xét nghiệm men gan ở giai đoạn này sẽ có thể thấy các men gan trở về giá trị thấp hoặc bình thường vì các hormon khi mang thai làm ức chế một phần việc tổn thương gan.
Mặc dù người mẹ bị mắc bệnh, siêu vi viêm gan B hiếm khi vượt qua nhau thai để lây nhiễm cho thai (em bé trong tử cung của mẹ). Nguy cơ lây nhiễm cho con cao nhất tại thời điểm chuyển dạ và sanh em bé. Khi đó, em bé sẽ có thể tiếp xúc với máu – dịch tiết có chứa virus bệnh của mẹ. Sau đó, virus bệnh có thể truyền qua sữa mẹ và lây nhiễm cho bé mặc dù tỷ lệ này không nhiều.
Chính vì nguy cơ xuất hiện cao nhất tại thời điểm sanh, bác sĩ sẽ tập trung điều trị sao cho giảm số lượng virus trong máu của người mẹ bị bệnh. Hiện nay việc điều trị được tập trung ở 3 tháng cuối của giai đoạn mang thai và chỉ ở trường hợp số lượng virus trong máu cao (số lượng HBV ADN >100.000 copy/ml; HBeAg dương tính). Trong một số trường hợp bác sĩ sẽ cần sử dụng thuốc cho trẻ để phòng ngừa sớm. Để cụ thể, cần tham khảo ý kiến bác sĩ là quan trọng để có chỉ định điều trị phù hợp bao gồm loại thuốc, liều thuốc và thời điểm dùng thuốc. Nếu làm đúng, khả năng bảo vệ trẻ chống lại lây nhiễm viêm gan siêu vi B có thể đạt 100%.