Trong thời gian gần đây nhiều người thường nhắc đến loại vi khuẩn HP vì nó có liên quan đến bệnh loét dạ dày-loét tá tràng, vốn là bệnh rất phổ biến. Chữ HP được viết tắt của chữ Helicobacter Pylori (ký hiệu viết tắt trong khoa học là H.Pylori) là một loại vi khuẩn có hình dáng dạng thanh nên được gọi là trực khuẩn. Vi khuẩn HP mang thuộc tính gram âm giống như các loại vi khuẩn đường ruột khác.
Vi khuẩn HP rất thường bắt gặp trong dạ dày. Tỷ lệ người nhiễm HP trong dân chúng rất cao. Có nhiều tài liệu cho con số từ 50% -90%. Đường lây nhiễm chính của H.Pylori là thông qua việc sử dụng các dụng cụ ăn uống chung. Do tỷ lệ nhiễm HP cao nên khả năng lây nhiễm cũng rất cao. Ví dụ trong tình huống chúng ta vừa diệt trừ xong vi trùng HP bằng thuốc, chỉ cần sử dụng chung đũa – nĩa – tô chén chưa được vệ sinh tốt thì cũng đã có thể mắc lại bệnh.
Một khi bị nhiễm vi khuẩn HP, bệnh sẽ kéo dài nhưng không nhất thiết phải có triệu chứng. Phần lớn người bị nhiễm H.Pylori không có triệu chứng lâm sàng và cũng không phát triển thành tổn thương nào trên dạ dày. Đây là điểm cần chú ý giải thích vì sao không nên điều trị một cách hệ thống vi trùng H.Pylori nếu không có bằng chứng bệnh lý cụ thể trên dạ dày. Việc điều trị HP cần sử dụng nhiều thuốc kháng sinh khác nhau trong thời gian dài. Bản thân việc sử dụng thuốc liều cao cũng không phải là vô hại. Do vậy việc cân nhắc điều trị hay không điều trị HP cần phải cân nhắc các khả năng khác nhau và cần có ý kiến của nhân viên y tế.