Hiện nay cơ cấu dân số của Việt Nam đang chuyển dần từ mô hình dân số trẻ sang mô hình dân số già, cơ cấu bệnh tật từ mô hình bệnh nhiễm sang mô hình bệnh mãn tính (chuyển tiếp mô hình dịch tễhọc). Trong đó, người lớn tuổi ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong dân số. Hiện thế hệ sinh sau chiến tranh đã bước vào độ tuổi 35-40. Dự báo trong tương lai gần 20-25 năm nữa, Việt Nam sẽ chứng kiến hiện tượng “Daddy Boom” như các nước phát triển hiện đang đối mặt.
Song song với tình trạng già hóa của dân số là việc gia tăng các bệnh mãn tính mà bệnh đái tháo đường là một ví dụ. Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng chính bệnh nhân là người giữ vai trò quyết định trong việc theo dõi và điều trị cho chính sức khỏe của bản thân họ. Việc điều trị không chỉ khu trú ở khía cạnh kiểm soát đường huyết đơn thuần bằng thuốc, ngoài ra cần đồng thời thực hiện chế độ ăn kiêng phù hợp, xây dựng lối sống tích cực, khống chế các yếu tố nguy cơ các bệnh phối hợp, dự phòng biến chứng. Có thể nói, các nhu cầu này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực y khoa đơn thuần mà còn mở rộng đối với nhu cầu tình cảm – xã hội. Để thực hiện các tốt các khía cạnh trên, người bệnh cần có sự hỗ trợ, sử dụng các kỹ năng chuyên môn khác nhau.
Trong thực tế, không ai cũng có thể làm tốt trong tất cả các lĩnh vực cùng một thời điểm. Ví dụ bác sĩ sẽ giỏi trong lĩnh vực điều trị bệnh lý, trong khi điều dưỡng lại làm việc rất tốt trong việc chăm sóc, theo dõi các vấn đề sức khỏe thông thường, có thể hỗ trợ các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Do vậy, để thực hiện tốt việc chăm sóc bệnh nhân một cách toàn diện các khía cạnh thể chất – tinh thần và xã hội, nhu cầu cần phải có ê kíp các chuyên ngành khác nhau cùng thực hiện việc chăm sóc cho bệnh nhân. Trong y học gia đình, việc phối hợp các chuyên ngành khác nhau cùng trong một ê kíp điều trị, trong đó vai trò của bác sĩ gia đình như nhà điều phối (vì là đại diện quyền lợi cho bệnh nhân) được thể hiện trong chức năng chăm sóc ban đầu (Primary Care Management).