loader

Triệu chứng « mệt mỏi » là một trong 5 triệu chứng thường gặp và khó chẩn đoán trong bối cảnh chăm sóc ngoại trú. Tất cả bệnh đều có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi trên lâm sàng. Ngược lại phần lớn trường hợp đến khám vì mệt mỏi lại chỉ do nguyên nhân tâm lý, nguyên nhân kinh tế – gia đình – xã hội. Chính sự đa hình thái, đa nguyên nhân của triệu chứng mệt mỏi nên đây là bài toán khó cho việc tiếp cận chẩn đoán và điều trị.

1/. Mệt mỏi là gì?

Mệt mỏi là cảm giác chủ quan mà bệnh nhân mô tả như là tình trạng kiệt sức, mất lực, không còn năng lượng, mất hứng thú, mất sức sống không thấy thoải mái trong người và cần phải nghỉ ngơi.

Mệt mỏi là than phiền rất thường gặp trong cộng đồng. Vấn đề sức khỏe này mang đậm tính chất chủ quan, khó có thể đánh giá – theo dõi, thay đổi tùy theo từng người, từng thời điểm. Phần lớn bệnh nhân không xem mệt mỏi như là bệnh cụ thể. Do vậy họ thường không đến khám tại các đơn vị y tế trong giai đoạn sớm. Thay vào đó, bệnh nhân tự điều trị bằng nhiều giải pháp khác nhau, và chỉ đến các đơn vị y tế vào giai đoạn trễ hoặc khi có kèm một triệu chứng thực thể nào khác. Chính vì đặc điểm đó, lý do khám bệnh là “mệt mỏi” chỉ có thể gặp trong môi trường chăm sóc ngoại trú, rất hiếm gặp trong chăm sóc nội trú, môi trường điều
trị tại bệnh viện.

2./ Đặc điểm của mệt mỏi mãn tính?

Việc chẩn đoán nguyên nhân của “mệt mỏi” là không đơn giản vì đây là triệu chứng chung của rất nhiều tình trạng bệnh khác nhau. Nếu bệnh nhân có thêm than phiền khác phối hợp cho phép khu trú cơ quan bệnh (ví dụ như đau bụng, khó thở, hồi hộp…) thì việc tiếp cận sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Ngược lại, nếu bệnh nhân chỉ có duy nhất than phiền là “mệt mỏi” thì việc tiếp cận chẩn đoán – điều trị một cách hệ thống là cần thiết. Trong đó, các thông tin cần khai thác bao gồm bệnh sử chi tiết, về bối cảnh cuộc sống của cá nhân, gia đình và xã hội. Các thông tin bổ sung này sẽ gợi ý hướng khảo sát sâu phù hợp.
Theo nguyên tắc tiếp cận chẩn đoán theo xác suất, yếu tố “mệt mỏi” không thể được xem là điểm bắt đầu của tiếp cận lâm sàng. Lý do là tất cả các nguyên nhân đều có thể dẫn đến triệu chứng mệt mỏi. Do vậy hướng đánh giá rất rộng, khó thực hiện trong thực tế.
Để chẩn đoán hiệu quả hơn, chúng ta có thể phân tình huống thành 2 nhóm: nhóm mệt mỏi cấp tính – mệt mỏi mãn tính, từ đó giúp khu trú những nhóm nguyên nhân thường gặp. Thông thường, mệt mỏi cấp tính thường do nguyên nhân thực thể, trong khi mệt mỏi mãn tính thì có một tỷ lệ quan trọng do nguyên nhân tâm lý.
Trong nhóm nguyên nhân cấp tính, mệt mỏi do nhiễm trùng siêu vi là thường gặp nhất ở tất cả các nhóm tuổi. Triệu chứng sẽ bắt đầu từ giai đoạn tiền triệu (trước sốt) và kéo dài đến khoảng 2 tuần lễ sau sốt. Cá biệt triệu chứng “mệt mỏi” có thể kéo dài hơn trong những bệnh cảnh đặc hiệu nếu có di chứng hoặc trên cơ địa sức khỏe kém như sởi, viêm gan siêu vi,… Các dấu chứng phối hợp của hội chứng siêu vi: sốt, ban da, đau cơ, dấu đặc hiệu của cơ quan bị nhiễm … giúp gợi ý chẩn đoán.