loader

1/ Đặc điểm bệnh nhân và chẩn đoán

– Ở trẻ em và trẻ vị thành niên, than phiền mệt mỏi không thường gặp. Nếu xuất hiện, điều này có thể là tiền triệu hoặc là hậu quả của một bệnh lý nhiễm trùng phối hợp (sốt siêu vi, sởi, sốt xuất huyết, cúm…) và thường có tính chất cấp tính. Nếu mệt mỏi kéo dài, triệu chứng này có thể liên quan đến các tình trạng như nhiễm mononucleosis, viêm gan siêu vi, lạm dụng chất kích thích, trầm cảm, tình trạng lo lắng.
– Ở bệnh nhân trưởng thành, mệt mỏi cấp thường do các nguyên nhân nhiễm trùng trong khi mệt mỏi mãn tính lại thường do nguyên nhân trầm cảm và lo lắng.
– Ở bệnh nhân lớn tuổi và người cao tuổi, mệt mỏi thường là biểu hiện của những bệnh thực thể nặng như:

+ Bệnh tim mạch, bệnh phổi mãn tính, thiếu máu, ung thư, rối loạn nội tiết tố… có thể gây khó thở hoặc mệt mỏi với các hoạt động thường ngày. Ví dụ nhưng trường hợp cường giáp dưới lâm sàng, bệnh nhân có thể đến khám vì than phiền mệt mỏi kéo dài, trong khi các triệu chứng mạch nhanh, rung tay, tiêu chảy…. lại không điển hình.

+ Tiểu đường có thể làm người bệnh đi tiểu và uống nhiều nước hoặc thay đổi thị lực.

+ Suy giáp gây ra các triệu chứng như cảm thấy lạnh, khô da, tóc dễ gãy.

Ngoài ra, do nhiều bệnh lý thực thể có thể xuất hiện phối hợp, việc dùng thuốc thường phức tạp (ví dụ như thuốc lợi tiểu có thể làm mất kali gây mệt mỏi), đánh giá lâm sàng cần tổng quát để hiểu được cơ chế gây mệt mỏi ở bệnh.

2/ Khía cạnh tâm lý và triệu chứng mệt mỏi?

Như đã trình bày ở mục trước, đối với tình trạng mệt mỏi mãn tính, nguyên nhân trầm cảm và lo lắng chiếm tỷ lệ quan trọng. Tuy nhiên, do triệu chứng trầm cảm phụ thuộc nhiều vào độ tuổi, giới tính, văn hóa và cả tình trạng kinh tế xã hội…, khó có thể có được công thức chung cho tất cả trường hợp.
+ Trong bệnh trầm cảm, nam giới có khuynh hướng biểu hiện mặc cảm có tội, cảm giác không thể cứu vãng, bi quan, buồn rầu, thường xuyên nghỉ việc.

+ Trong khi đó, nữ giới lại có biểu hiện là nhức đầu, mất ngủ, phiền muộn, không tham gia các hoạt động xã hội.
+ Một điểm lưu ý đối trẻ em, biểu hiện của trầm cảm có thể rất đa dạng chứ không chỉ là tình trạng giảm tâm trạng hoặc mệt mỏi. Trầm cảm có thể biểu hiện ra ngoài bằng một triệu chứng cơ năng như: nhức đầu, đau bụng, tiểu nhiều…. hoặc bằng những hành vi lạ như: sợ ăn, sợ đến trường, tự cô lập bản thân, hạn chế lối sống, rối loạn giấc ngủ, hiếu động bất thường…