loader

Khi nhắc đến nhện cắn, thông thường chúng ta sẽ nghĩ đến những vết thương to, lan rộng với chất độc chết người. Những việc này thực tế không thường gặp. Do vậy kiến thức về bản chất của vết nhện cắn là cần thiết để có thể chăm sóc đúng, hạn chế việc sử dụng thuốc không cần thiết hoặc đôi khi lợi bất cập hại.

Bản thân đôi càng của nhện có kích thước khiêm tốn tương ứng với kích thước của nhện. Do vậy, ngay cả khi nhện cắn người, vết cắn thường chỉ giới hạn ở lớp thượng bì (lớp da nông có bề dày chỉ <0,5 mm, bằng bề dầy của tờ giấy), rất hiếm khi có trường hợp vết cắn xuyên đến lớp bì (lớp da chính thức có bề dầy từ 2mm – 10 mm). Chính vì vậy có thể nói trong phần lớn trường hợp vết cắn của nhện là vô hại trừ trường hợp có nọc độc phối hợp. Loại nhện có độc tố được nhắc đến nhiều nhất là nhện “góa phụ áo đen – black widow”. Tuy vậy hiếm khi độc tố của nhện có thể đủ mạnh đế gây chết người.

Về mặt bản chất thì vết cắn của nhện giống hoàn toàn với vết cắn của các loại côn trùng khác như kiến, muỗi, rệp… Các dấu hiệu bao gồm sưng nhẹ tại chổ, đỏ da, ngứa ít đến ngứa nhiều, đôi khi gây đau. Nếu vết cắn nhiều vùng các khớp thì sẽ có ít phản ứng vùng quay khớp gây phù nhẹ. Nếu vết cắn đủ lớn sẽ có tình trạng nổi bỏng nước trong, có vết máu màu đỏ lan ra da, về sau sẽ chuyển màu nâu. Thông thường triệu chứng ngứa chỉ giới hạn và biến mất sau khoảng 2-3h. Đối với trường hợp vết cắn có chứa nọc độc, một số triệu chứng khác như nổi bóng nước trên da, cảm giác dị cảm lan rộng xa vùng da bị cắn, căng cơ, run cơ, đau đầu…

Khi bị nhện cắn, điều cần làm đầu tiên là rửa lại vết thương bằng nước và xà phòng. Việc này sẽ giúp loại trừ các chất độc còn sót trên da và hạn chế bớt tình trạng nhiễm trùng vết đốt. Nếu được, bạn có thể dùng ít thuốc thoa da có chất kháng sinh và kháng viêm ngay tại vị trí vết đốt. Thuốc sẽ giúp hạn chế nhiễm trùng và giới hạn các triệu chứng ngứa – khó chịu tại chổ. Tuy vậy cần có thời gian đề thuốc có tác dụng. Trong khi đợi, bạn có thể dùng khăn lạnh đắp lên vết thương sẽ giúp giảm khó chịu nhanh.

Đối với trường hợp xuất hiện các triệu chứng lạ ở vùng xa vết đốt, đây là cảnh báo có thể có chất độc trong vết cắn, bạn nên đến đơn vị y tế gần nhất như trạm y tế, phòng khám để được bác sĩ và nhân viên y tế đánh giá lại và có hướng điều trị phù hợp. Nếu có thể được, bạn nên bắt sống hoặc đem xác nhện theo để bác sĩ có thể định danh loại độc tố và có hướng điều trị chính xác.