loader

1.1.1       Giới thiệu

Huyết áp cao là tình trạng ghi nhận có chỉ số huyết áp cao hơn ngưỡng bình thường. Trong đó, ở người trưởng thành, chỉ số huyết áp tâm thu >140mmHg, huyết áp tâm trương >90mmHg (ở những độ tuổi khác nhau sẽ có chỉ số ngưỡng khác nhau).

Bệnh tăng huyết áp là tình trạng có chỉ số huyết áp cao liên tục, kéo dài và cần phải điều trị phù hợp. Bệnh thường gặp ở người trưởng thành và người cao tuổi, gặp ở nam nhiều hơn nữ. Tăng huyết áp có liên quan đến tuổi tác, sự lão hóa – xơ cứng hóa của mạch máu chiếm đa số các trường hợp (95%). Tăng huyết áp cũng có thể là hậu quả của những bệnh khác (còn gọi là tăng huyết áp thứ phát) bao gồm: cường giáp, suy thận, cường tuyến thượng thận, bệnh van tim, bệnh cơ tim…. Các nguyên nhân của tăng huyết áp cần được đánh giá và điều trị phù hợp để có thể điều hòa được huyết áp.

1.1.2       Nhận diện

Bản thân tình trạng huyết áp cao không gây triệu chứng khó chịu. Việc đánh giá cần đo huyết áp bằng thiết bị riêng:

  • Huyết áp tâm thu >140mmHg
  • Huyết áp tâm trương > 90mmHg

Các dấu hiệu khác sẽ gợi ý nguyên nhân của huyết áp cao

1.1.3       Dấu hiệu báo động

Các dấu hiệu báo động khi người bệnh có cơn huyết áp cao:

  • Đau đầu
  • Nôn ói
  • Khó thở
  • Nặng ngực- đau ngực
  • Mang thai
  • Bí tiểu, tiểu ít, không có nước tiểu
  • Lơ mơ, yếu liệt tay chân, yếu liệt cơ vùng đầu – mặt.

1.1.4       Xử trí

  • Nếu người bệnh có huyết áp cao và triệu chứng khác, cần ưu tiên xử trí các triệu chứng đó (ví dụ như nôn ói, khó thở, đau ngực…). Sau khi người bệnh tạm ổn, chúng ta cần chuyển người bệnh đến cơ sở y tế để được đánh giá và điều trị phù hợp.
  • Nếu người bệnh chỉ có huyết áp cao đơn thuần, có thể thực hiện các hoạt động sau
    • Nằm nghỉ ngơi thoải mái tại giường, nơi yên tĩnh, thoáng khí, không ánh sáng trực tiếp, không bụi bặm, tiếng ồn
    • Pha uống 1 ly nước ấm
    • Ngồi ngâm 2 chân vào nước ấm
  • Tiếp tục theo dõi các dấu chứng khác, đánh giá lại huyết áp sau mỗi 30 phút. Nếu huyết áp vẫn cao, hãy tham vấn ý kiến của nhân viên y tế hoặc chuyển người bệnh đến khám tại cơ sở y tế phù hợp.

1.1.5       Lời khuyên dành cho người người bệnh và gia đình

  • Bệnh tăng huyết áp là bệnh mạn tính, cần theo dõi và điều trị lâu dài. Vai trò của người bệnh cần chủ động quản lý sức khỏe cá nhân, tuân thủ điều trị do bác sĩ hướng dẫn.
  • Theo dõi huyết áp mỗi ngày, ghi chép lại thông tin và cung cấp cho bác sĩ ở lần khám sau.
  • Nếu huyết áp cao có kèm theo các dấu chứng báo động khác, cần đến khám tại cơ sở y tế phù hợp để kịp thời phát hiện và điều trị những tình trạng bệnh nặng (ví dụ như đột quỵ, suy tim, nhồi máu cơ tim, suy hô hấp, …)
  • Sử dụng chế độ ăn uống lành mạnh: đầy đủ các thành phần chất dinh dưỡng, ăn giảm mặn, có trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo không bão hòa.
  • Dành thời gian tập thể dục thường xuyên hằng ngày, cường độ tập phù hợp với sức khỏe.
  • Duy trì cân nặng trung bình, giảm cân nếu có thừa cân – béo phì.
  • Hạn chế rượu, thuốc lá, cà phê, trà và các loại chất kích thích khác.

Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh quên cử thuốc, sai liều lượng thuốc.