1.1.1 Giới thiệu
Táo bón là một trong những vấn đề thường gặp trong chăm sóc hằng ngày, đặc biệt là đối với trẻ em trong giai đoạn nhà trẻ – mẫu giáo và người cao tuổi. Bình thường, số lần đi phân có thể giao động từ khoảng 3 lần mỗi ngày đến 3 lần mỗi tuần. Do vậy, trong táo bón số lần đi phân không quan trọng. Chúng ta cần quan tâm đến đặc điểm khó khăn khi đi cầu như phân cứng, phân lâu ra phải ngồi chờ, phân ra phải dùng sức để rặn, đi cầu bị đau vùng bụng – hậu môn.
Táo bón đơn thuần không kèm triệu chứng khác thì không phải do bệnh nguy hiểm. Các vấn đề về chế độ dinh dưỡng ít chất xơ, thói quen đi cầu là những nguyên nhân hàng đầu, đặc biệt là trường hợp táo bón kéo dài..
Việc điều trị táo bón chỉ hiệu quả nếu can thiệp đúng nguyên nhân. Do vậy chúng ta cần quan tâm phân tích nguyên nhân và có biện pháp can thiệp phù hợp. Một số nguyên nhân của táo bón:
- Táo bón đơn thuần là nguyên nhân thường gặp chủ yếu: do chế độ ăn ít chất xơ, do ăn uống không đủ khối lượng
- Rối loạn nhu động ruột: ít vận động, nằm lâu- kéo dài, rối loạn nhu động ruột ở người già.
- Vấn đề tâm lý sợ đi cầu: gặp ở trẻ em, sợ dơ, sợ thấy phân, sợ ngồi một mình.
- Thói quen đi cầu chưa tốt.
- Bệnh vùng hậu môn: trĩ, nứt hậu môn, viêm nhiễm quanh hậu môn
- Bệnh trực tràng – đại tràng: ung thư, mất kích thích trực tràng, hẹp đại tràng, túi thừa đại tràng, bệnh Hirschsprung.
- Thuốc: một số thuốc gây táo bón, cần theo hướng dẫn của bác sĩ.
1.1.2 Nhận diện
Người bệnh có những biểu hiện sau:
- Đi tiêu khó khăn, phải dùng sức rặn (đặc điểm quan trọng)
- Phải dùng tay để lấy phân ra
- Phân cứng, kết thành từng cục riêng
- Cảm giác đi tiêu chưa hết phân
- Đi tiêu mỗi tuần < 3 lần
Nếu người bệnh có từ 2 triệu chứng trở lên thì xác định có táo bón. Đặc điểm quan trọng là có sự gắng sức khi đi cầu.
1.1.3 Dấu hiệu báo động
Bản thân táo bón không gây nguy hiểm. Nguyên nhân thường gặp của táo bón cũng không nguy hiểm. Tuy nhiên có một số bệnh nguy hiểm khác có thể biểu hiện bằng tình trạng táo bón. Do vậy chúng ta cần lưu ý phát hiện những dấu hiệu báo động để kịp thời đến khám tại cơ sở y tế phù hợp.
- Phân có lẫn máu (bao gồm máu lẫn vào phân, máu bọc quanh phân, máu ra sau khi đi phân)
- Phân có đường kính nhỏ
- Sụt cân
- Đau bụng xa thời điểm đi cầu
1.1.4 Xử trí – điều trị
Đối với người bệnh có tình trạng táo bón – khó đi phân cấp, chúng ta có thể thực hiện những động tác sau
- Uống một ly nước ấm
- Xoa bụng vùng quanh rốn để kích thích nhu động ruột
- Chỉ vào nhà vệ sinh khi có cảm giác muốn đi cầu, có đau bụng
- Khi đã ngồi vào bàn cầu mà không có cảm giác co thắt đẩy phân thì dành thời gian chờ, không cố gắng dùng sức rặn khi không có nhu động ruột
- Nếu phân cứng, có thể đeo găng tay y tế để hỗ trợ lấy phân cứng
- Có thể dùng thuốc bơm hậu môn để hỗ trợ (sorbitol, glycerol)
1.1.5 Lời khuyên dành cho người người bệnh và gia đình
- Chế độ ăn điều độ, nhiều chất xơ (ví dụ như trái cây, rau cải) giúp tạo khối cho phân, giúp kích thích cảm giác buồn cầu và tạo được nhịp đi cầu, nên được khuyên dùng nếu số lần đi cầu ít. Tuy nhiên, đối với người có số lần đi cầu bình thường, nhưng phân cứng, gây đau khi đi phân thì chúng ta hạn chế việc dùng nhiều chất xơ vì có thể gây nặng thêm.
- Có thể dùng thức ăn, thức uống có tính nhuận trường như sữa chua, đu đủ, táo, lê, mận, chuối, cam, bơ, thanh long. Những thức ăn này giúp làm mềm phân và tạo cảm giác đi cầu.
- Tập thể dục đều đặn, hạn chế lối sống tĩnh tại – nằm lâu tại giường
- Lưu ý uống đầy đủ nước và các chất lỏng khác (dùng thêm canh, đồ ăn có chứa nước)
- Tập thói quen đi tiêu vào một thời điểm trong ngày. Thông thường cơ thể sẽ có phản xạ đi cầu sau bữa ăn, sau khi dùng thức uống/thức ăn vào buổi sáng. Chúng ta có thể phối hợp cùng với nhịp của cơ thể để tập thói quen đi cầu. Có thể sử dụng thức uống có chứa cafein vào bữa sáng cũng có tác dụng kích thích cảm giác mắc cầu.
- Thuốc nhuận tràng chỉ điều trị triệu chứng. Việc sử dụng nên tham khảo ý kiến của nhân viên y tế và trong thời gian ngắn để tránh ảnh hưởng xấu của thuốc. Một số thuốc nhuận trường có thể gây tăng khó chịu nếu điều trị không đúng bệnh.
- Khi có cảm giác mắc cầu, không nên cố nhịn vì điều đó sẽ làm mất phản xạ đi cầu. Ngược lại, chúng ta chỉ nên vào nhà vệ sinh khi có cảm giác mắc cầu
- Chúng ta cần dành thời gian cho việc đi cầu. Không cố rặn khi chưa có phản xạ co bóp của ruột (thể hiện bằng cảm giác nặng vùng bụng và muốn đi phân) vì điều đó sẽ gây bệnh trĩ, xước hậu môn.