loader

1.1.1       Giới thiệu

Ợ hơi là tình trạng có đẩy khí ngược từ dạ dày ra ngoài, gây âm thanh. Chúng ta cũng cần phải phân biệt giữa ợ hơi với các tình trạng khác như trớ (là tình trạng đẩy chất dịch – thức ăn từ dạ dày vào thực quản lên miệng) và ói (là tình trạng co thắt mạnh cơ hoành làm tống tất cả thức ăn từ hành tá tràng, dạ dày, thực quản lên thực quản và đưa ra ngoài).

Ợ hơi về bản chất là một hoạt động sinh lý bình thường, không là triệu chứng của một bệnh thực thể.

Nguyên nhân của ợ hơi có thể là do nuốt hơi quá nhiều, hoặc do có tình trạng ứ đọng chất dịch acid tại dạ dày do chậm thoát dịch dạ dày xuống ruột. Hơi bị nuốt vào hoặc bị hút vào dạ dày qua ăn uống, sau đó hơi được đưa ngược trở ra bằng động tác ợ hơi.

1.1.2       Nhận diện

Ợ hơi được nhận diện thông qua các biểu hiện:

  • Có động tác ợ đưa hơi từ dạ dày lên
  • Thường xuất hiện sau bữa ăn đầy
  • Không kèm đẩy thức ăn ra ngoài (là ói)
  • Không kèm mùi chua, mùi tanh, không kèm nóng rát sau ức.

1.1.3       Dấu hiệu báo động

Ợ hơi là một hiện tượng tự nhiên. Nếu ợ hơi có đi kèm theo các dấu chứng sau thì có thể gợi ý nguyên nhân nguy hiểm:

  • Đau ngực: Đau ngực có thể là dấu hiệu của bệnh tim, đau thắt ngực hoặc đau tim.
  • Khó nuốt: Khó nuốt có thể là dấu hiệu của ung thư thực quản hoặc viêm thực quản.
  • Nôn mửa: Nôn mửa có thể là dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm, viêm dạ dày hoặc loét dạ dày.
  • Mất nước: Mất nước có thể là dấu hiệu của tiêu chảy, nôn mửa hoặc ợ hơi quá nhiều.
  • Giảm cân không giải thích được: Giảm cân không giải thích được có thể là dấu hiệu của ung thư.

1.1.4       Can thiệp

Khi bị ợ hơi, chúng ta không cần phải can thiệp gì. Cơ thể sau khi loại bỏ bớt hơi của dạ dày, đưa bớt thức ăn xuống ruột thì sẽ không còn ợ hơi.

1.1.5       Lời khuyên dành cho người người bệnh và gia đình

  • Ăn chậm, nhai kỹ thức ăn, hạn chế nói chuyện nhiều khi ăn vì nguy cơ nuốt hơi và khả năng hít sặc.
  • Hạn chế các thức uống có gaz (nước ngọt có gaz, soda…), nhai kẹo chewgum, đeo răng giả vì làm nặng thêm tình trạng nuốt hơi và ợ hơi.
  • Tránh ăn các loại thực phẩm có thể gây ra ợ hơi, ví dụ như đồ ăn béo, đồ ăn nhiều gia vị và đồ uống có cồn.
  • Không ăn quá no. Ăn quá no có thể làm tăng áp lực trong dạ dày và dẫn đến ợ hơi.
  • Không nằm ngay sau khi ăn. Hãy đợi ít nhất 30 phút sau khi ăn trước khi đi ngủ. Việc này cũng tránh hiện tượng trào ngược dạ dày lên thực quản gây viêm thực quản – họng.
  • Điều trị hiệu quả tình trạng viêm mũi – nghẹt mũi gây tình trạng thở miệng, tăng nguy cơ nuốt hơi.
  • Hạn chế các động tác hít hơi sâu (ca hát, nói lớn tiếng, thở bằng miệng) sẽ làm tăng khả năng hít hơi vào dạ dày.

Giảm tình trạng căng thẳng – lo âu vì làm tăng cảm giác muốn ợ hơi.