1.1.1 Giới thiệu
Ói là hiện tượng co thắt mạnh hệ tiêu hóa ĐẨY NHANH thức ăn từ dạ dày tống ra ngoài qua đường miệng. Thức ăn bị ói ra có lẫn với dịch dạ dày sẽ có vị chua, thức ăn bị vữa. Đặc điểm này giúp phân biệt với tình trạng ợ hơi – ợ chua (không có thức ói), tình trạng trớ (gặp ở trẻ em, không có vị chua).
Bản thân nôn ói không là bệnh mà là biểu hiện của những nguyên nhân khác nhau. Thông thường, nôn ói gặp ở bệnh tiêu hóa, tuy nhiên một số bệnh tại các cơ quan khác cũng có thể gây ói. Do vậy chúng ta cần quan tâm thêm các biểu hiện khác đi kèm, đánh giá dấu hiệu nguy hiểm để giúp nhận biết nguyên nhân, điều hướng người bệnh đến cơ sở y tế phù hợp nếu có tình trạng nặng.
1.1.2 Nhận diện
Người bệnh sẽ có than phiền:
- Ói thức ăn từ trong ra ngoài
- Thức ói có vị – mùi chua của dịch dạ dày
- Thức ói là thức ăn bị vữa
1.1.3 Dấu hiệu báo động
Các dấu hiệu phối hợp gợi ý tình trạng nặng:
- Ói ở trẻ sơ sinh
- Ói lượng nhiều
- Có dấu mất nước – điện giải
- Có máu trong dịch ói
- Có chướng bụng
- Có yếu liệt cơ thể, hôn mê
- Có nặng ngực, khó thở
1.1.4 Xử trí – điều trị
- Cho người bệnh nghỉ ngơi tại giường, không làm việc nặng. Chổ nghỉ bố trí gần nhà vệ sinh để tiện việc nôn ói, đi vệ sinh, lau chùi. Có thể trang bị một thau – ca để chứa dịch ói nếu người bệnh không kịp di chuyển.
- Chuẩn bị nước để người bệnh có thể uống bù cho lượng dịch ói. Một ly nước chanh muối có thể giúp làm dịu cảm giác khó chịu vùng họng. Lưu ý không ép uống, ép ăn khi mà người bệnh còn ói nhiều.
- Theo dõi các dấu hiệu phối hợp khác.
- Theo dõi dấu hiệu mất nước: môi khô, mắt trũng, tiểu ít, khát nước, khóc không có nước mắt.
- Tránh các loại thực phẩm có mùi có thể gây buồn nôn.
1.1.5 Lời khuyên dành cho người người bệnh và gia đình
- Trong khi người bệnh còn buồn ói, còn ói, không nên cho uống, cho ăn bất kỳ chất gì vì nguy cơ làm bệnh nặng thêm.
- Khi người bệnh đã bớt ói, cho uống nước bổ sung. Việc uống nước giúp bổ sung nước và chất điện giải. Lượng nước uống vừa phải và kéo dài. Không uống nhiều cùng một lúc vì nguy cơ gây ói.
- Chú ý các dấu hiệu mất nước như mệt mỏi, miệng khô, tiểu ít, mắt trũng, khóc không có nước mắt
- Nếu nôn ói có kèm theo tiêu chảy thì càng cần lưu ý việc bù nước.
- Khi người bệnh đã đỡ nôn ói, có thể bắt đầu cho ăn lại thức ăn với lượng nhỏ tăng dần, chia làm nhiều bữa nhỏ.
- Nghỉ ngơi thêm sẽ giúp người bệnh mau chóng hồi phục sức khỏe.
- Nếu nôn ói có liên quan đến các tháng đầu của thai kỳ, cần lựa chọn thức ăn theo nhu cầu của thai phụ, ăn lượng ít mỗi lần, chia làm nhiều lần trong ngày. Nếu có nôn ói kéo dài thì cần đưa người bệnh đến khám bác sĩ sản phụ khoa.
- Nếu người bệnh có các dấu chứng báo động, các dấu chứng nguy hiểm thì cần liên hệ nhân viên y tế để tham khảo ý kiến hoặc đến khám tại cơ sở y tế phù hợp.