1.1.1 Giới thiệu
Mệt mỏi là một cảm giác mệt quá sức, không cảm giác thoải mái, cần phải nghỉ ngơi. Tất cả bệnh đều có thể gây ra tình trạng mệt mỏi. Ngược lại phần lớn trường hợp có than phiền mệt mỏi đơn thuần (không kèm theo dấu hiệu khác) lại chỉ do làm việc cực nhọc, do gắng sức quá mức, do yếu tố tình cảm, tinh thần hoặc những vấn đề về môi trường xã hội-công việc.
Phần lớn các trường hợp mệt mỏi chỉ có tính chất thoáng qua. Việc phòng ngừa – điều trị mệt mỏi có thể thực hiện bằng cách ngủ đầy đủ, dinh dưỡng tốt, giảm stress, cân bằng mức độ công việc – vận động theo khả năng của cơ thể.
Đối với mệt mỏi kéo dài, việc đánh giá và xác định đúng nguyên nhân gây mệt mỏi là quan trọng. Một số nguyên nhân có thể gây mệt mỏi kéo dài bao gồm:
- Rối loạn giấc ngủ
- Bệnh lý mãn tính, ví dụ như bệnh tuyến giáp, bệnh tim, bệnh phổi, bệnh thận, bệnh đái tháo đường, bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh ung thư, bệnh tự miễn
- Thiếu máu
- Suy dinh dưỡng, chế độ ăn uống thiếu năng lượng, thiếu vitamin và khoáng chất
- Stress, lo lắng, trầm cảm
- Sử dụng thuốc, ví dụ như thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần
- Lạm dụng chất kích thích, ví dụ như rượu, bia, thuốc lá, ma túy
1.1.2 Nhận diện
Tình trạng mệt mỏi là cảm giác chủ quan, có thể được nhận diện thông qua mô tả của người bệnh như là tình trạng cảm thấy kiệt sức, mệt lả, thiếu sinh lực, cảm giác không thoải mái, muốn nghỉ ngơi, giảm hoạt động thể lực.
Mệt mỏi được phân làm 2 nhóm: mệt mỏi cấp và mệt mỏi mạn (kéo dài). Trong đó mệt mỏi cấp tính thường đi kèm với các dấu chứng khác và có nguyên nhân bệnh cụ thể. Đối với mệt mỏi kéo dài, thường không đi kèm dấu chứng khác và thường có nguyên nhân là tâm lý.
1.1.3 Dấu hiệu báo động
Mệt mỏi đơn thuần thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu mệt mỏi đi kèm với các dấu chứng khác thì thường gợi ý nguyên nhân cần phải được thăm khám chu đáo bởi nhân viên y tế. Một số dấu hiệu báo động:
- Khó thở, thở nhanh >20 lần/phút
- Yếu liệt tay chân
- Cảm giác nặng ngực
- Sốt cao
- Bất kỳ dấu chứng nào đi kèm
1.1.4 Xử trí – điều trị
- Cho người bệnh nghỉ ngơi nhiều hơn, nằm nghỉ tại giường, không gian yên tĩnh, không khí thông thoáng, ánh sáng vừa đủ, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp.
- Hạn chế làm những việc nặng kéo dài, cũng hạn chế nằm lâu không vận động vì sẽ làm cảm giác mệt mỏi nhiều hơn
- Hạn chế tiếp xúc với nhiều người để có thời gian cho người bệnh nghỉ ngơi.
- Sử dụng thuốc acetaminophen (paracetamol) nếu người bệnh có sốt, có đau. Nên tham khảo ý kiến của nhân viên y tế về liều thuốc acetaminophen đối với trường hợp trẻ em, người nhẹ cân, có bệnh phối hợp.
- Theo dõi các dấu hiệu khác. Nếu bệnh diễn tiến nặng, có xuất dấu chứng khác (ho nhiều, đàm nhiều, đàm máu, chảy máu mũi, xanh xao,…) chúng ta cần thu xếp cho người bệnh đến khám tại cơ sở y tế phù hợp
1.1.5 Lời khuyên dành cho người người bệnh và gia đình
- Mệt mỏi cấp tính là biểu hiện của bệnh lý. Việc điều trị cần đúng nguyên nhân. Do vậy người bệnh cần đến khám tại cơ sở y tế phù hợp để được thăm khám và điều trị.
- Sau khi bác sĩ đã loại trừ các bệnh lý nguy hiểm, gia đình có thể thực hiện các can thiệp sau giúp chống lại mệt mỏi:
- Cho người bệnh nằm nghỉ ngơi tại giường, phòng thông thoáng, có quạt mát.
- Ngủ đủ giấc, ít nhất 8 giờ mỗi đêm. Thời gian ngủ thay đổi tùy theo độ tuổi, nhịp sinh hoạt của từng người. Chất lượng giấc ngủ quan trọng hơn thời gian ngủ. Do vậy cần chuẩn bị nơi ngủ được thoải mái, thoáng khí, không tiếng ồn – bụi – ánh sáng. Nếu buổi sáng thức giấc với đầu óc tỉnh táo, cơ thể thoải mái, không buồn ngủ trong ngày thì đồng nghĩa giấc ngủ đã tốt.
- Tránh ngủ ngày vì có thể sẽ gây khó ngủ ban đêm.
- Ngưng hút thuốc lá, tránh dùng quá nhiều chất kích thích như cà phê, trà vì có thể gây khó ngủ.
- Uống nhiều nước, dùng thức ăn dễ tiêu- bổ dưỡng. Chuẩn bị bữa ăn theo sở thích. Chất lượng thức ăn cũng quan trọng như khối lượng thức ăn. Mỗi người sẽ có nhu cầu ăn uống khác nhau, không thể áp đặt.
- Tập thể dục vào giấc sáng, vận động cơ thể thường xuyên theo khả năng để tăng cường sức khỏe cho tim mạch – phổi – cơ. Không tập thể dục trễ vào giấc tối.
- Nghỉ ngơi và thư giãn, tập các động tác thư giãn cơ thể.
- Hạn chế sử dụng các loại thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Trong quá trình theo dõi, nếu có ghi nhận thêm dấu chứng lạ, gia đình và người bệnh nên chủ động tham khảo ý kiến chuyên môn của nhân viên y tế.