loader

1.1.1       Giới thiệu

Chóng mặt là tình trạng cơ thể có nhận định không chính xác về không gian (trong y khoa gọi là ảo giác về không gian). Điều này dẫn đến việc người bệnh mô tả có những biểu hiện như trôi bồng bềnh, quay vòng, bay bổng, đảo lộn… (tất cả những thuật ngữ có mô tả không gian không cố định). Triệu chứng này có thể đi kèm với những biểu hiện khác như hoảng loạn, nôn ói, huyết áp cao, nhịp tim nhanh, ra mồ hôi lạnh, xanh xao, rối loạn dáng đi, ù tai…

Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có bệnh sẽ thoáng qua, có bệnh sẽ kéo dài. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ có cách điều trị chuyên biệt. Đối với các nguyên nhân kéo dài, vai trò chăm sóc hỗ trợ của gia đình là quan trọng để giúp khôi phục lại sinh hoạt hằng ngày, thích nghi với bối cảnh có chóng mặt và rối loạn dáng đi, hạn chế nguy cơ té ngã.

1.1.2        Nhận diện

Người bệnh sẽ than phiền có triệu chứng chóng mặt, triệu chứng này có thể được mô tả bằng những từ ngữ như: trôi bồng bềnh, quay vòng, bay bổng, đảo lộn, phòng đang xoay vòng, trần nhà sập xuống

Tuy nhiên, do đây là mô tả mang tính chủ quan, chúng ta cần lưu ý một số đặc điểm sau:

  • Người bệnh nói chóng mặt không nhất thiết là có chóng mặt, phải hỏi những đặc điểm về không gian.
  • Tình trạng có tối sầm mắt, bị té xỉu, mất tri giác không phải là chóng mặt mà là triệu chứng choáng.

1.1.3       Dấu hiệu báo động

Tùy theo nguyên nhân mà chóng mặt có thể gặp trong tình huống bệnh nguy hiểm. Một số dấu hiệu báo động gợi ý nguyên nhân nguy hiểm:

  • Tê cứng người
  • Yếu liệt tay, chân, mặt
  • Nói khó, lú lẫn – trả lời không chính xác
  • Tối sầm mắt, té xỉu, mất tri giác, hôn mê
  • Nôn ói nhiều
  • Khó thở

1.1.4       Can thiệp

Nếu người bệnh có chóng mặt cấp, thực hiện các việc sau:

  • Cho người bệnh dừng ngay các hoạt động đang thực hiện (lái xe, lên xuống cầu thang, sử dụng thiết bị…)
  • Đặt người bệnh nằm xuống thấp để tránh bị té ngã gây tai nạn. Yêu cầu người bệnh giữ nguyên tư thế, hạn chế các động tác xoay chuyển đầu –thân người.
  • Nếu người bệnh buồn ói-ói, đặt người bệnh nằm nghiêng hoặc nằm sấp để tránh bị hít chất ói.
  • Nếu người bệnh có ói, cho xúc lại miệng bằng nước và nhả ra. Hạn chế cho người bệnh ăn uống trong lúc có chóng mặt và buồn ói vì nguy cơ hít sặc chất ói
  • Theo dõi các dấu chứng báo động. Nếu người bệnh vẫn chóng mặt kéo dài, có dấu chứng báo động, gia đình cần tham khảo ý kiến của nhân viên y tế hoặc chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

1.1.5       Lời khuyên dành cho người người bệnh và gia đình

  • Tránh dùng cà phê, trà, rượu và các chất kích thích có thể làm nặng thêm tình trạng chóng mặt.
  • Trong thời gian chóng mặt, hạn chế di chuyển, không điều khiển xe lưu thông, không sử dụng các thiết bị nguy hiểm cần độ chính xác cao.
  • Yêu cầu người thân hỗ trợ trong vấn đề di chuyển, vệ sinh, sinh hoạt hằng ngày
  • Khi chuyển tư thế từ nằm sang ngồi, từ ngồi sang đứng, xoay chuyển đầu – thân người, cần thực hiện từ từ, tránh làm đột ngột sẽ làm nặng tình trạng chóng mặt.
  • Tránh cử động quay đầu – cuối đầu quá mức, tránh cúi người xuống thấp (lấy đồ)
  • Buổi sáng mới thức dậy, khi chưa tỉnh giấc hoàn toàn, chuyển đổi tư thế nên thực hiện từ từ, ngồi lại tại giường 1 phút trước khi đứng lên đi, tránh làm đột ngột.
  • Khi bị chóng mặt, dừng ngay các hoạt động đang thực hiện (lái xe, lên xuống cầu thang, sử dụng thiết bị…), ngồi ngay xuống thấp hoặc nằm xuống thấp để tránh bị té ngã gây tai nạn.
  • Khi bị chóng mặt, thử tập trung nhìn vào 1 vật cố định ở xa sẽ giúp chỉnh lại nhịp của mắt, giảm bớt khó chịu do chóng mặt.
  • Nếu chóng mặt kéo dài, tái diện, có dấu chứng phối hợp báo động, đây có thể là bệnh chóng mặt nguy hiểm. Chúng ta cần tham khảo ý kiến nhân viên y tế hoặc đến khám tại cơ sở y tế phù hợp.