loader

1.1.1       Giới thiệu

Bệnh đái tháo đường (còn gọi là bệnh tiểu đường) là tình trạng cơ thể thiếu chất insulin, là một chất nội tiết do tuyến tụy tiết ra, giúp điều hòa chuyển hóa chất đường trong cơ thể, cân bằng lượng đường có trong máu và các cơ quan khác của cơ thể, giúp đảm bảo nhu cầu năng lượng trong ngày. Trong trường hợp cơ thể không thể sản xuất đủ insulin, chuyển hóa đường sẽ bị ảnh hưởng gây hiệu ứng là nồng độ chất đường trong máu cao.

Có hai nhóm bệnh đái tháo đường. Nhóm I có thiếu hụt insulin hoàn toàn (còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin), thường gặp ở người trẻ tuổi, có tổn thương trực tiếp tuyến tụy. Nhóm II có thiếu hụt insulin tương đối, lượng insulin tiết ra không đáp ứng được với nhu cầu của cơ thể (còn gọi là đái tháo đường không phụ thuộc insulin), thường gặp ở người trưởng thành và người cao tuổi, có liên quan đến các yếu tố nguy cơ như béo phì, lối sống ít hoạt động.

1.1.2       Nhận diện

Người bệnh có những dấu hiệu sau gợi ý:

  • Sụt cân không rõ nguyên nhân mặc dù ăn nhiều, luôn có cảm giác đói và có ăn đầy đủ.
  • Uống nhiều nước: luôn cảm thấy rất khát và uống nhiểu nước do mất nước liên tục qua nước tiểu
  • Tiểu nhiều với lượng nước tiểu nhiều, mỗi lần nước tiểu rất nhiều. Tổng lượng nước tiểu mỗi ngày > 3 lít

Đối với đái tháo đường nhóm II, bệnh không gây dấu chứng cụ thể. Việc chẩn đoán cần xét nghiệm máu và được nhân viên y tế phân tích kết quả. Một số dấu hiệu gợi ý nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường nhóm II:

  • Tiền sử gia đình có người bị bệnh đái tháo đường
  • Thừa cân – béo phì
  • Đang mắc những bệnh mạn tính khác: cao huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch, đột quị não, suy thận, đái tháo đường thai kỳ.

1.1.3       Dấu hiệu báo động

Trong bệnh đái tháo đường, người bệnh không có nguy cơ cấp. Việc theo dõi cần tập trung vào 2 nhóm dấu chứng sau.

Dấu chứng hạ đường huyết:

  • Run tay
  • Nhịp tim nhanh, hồi hộp
  • Cảm giác bồn chồn, đói bụng, mất tri giác ở giai đoạn trễ
  • Ra mồ hôi lạnh
  • Huyết áp tăng cao

Dấu chứng của bệnh đái tháo đường đang diễn tiến nặng:

  • Hôn mê
  • Sụt cân nhanh,
  • Người bị mất nước, tiểu nhiều, khát nhiều, khô miệng
  • Yếu cơ, liệt cơ
  • Có các tình trạng bệnh phối hợp khác: nhiễm trùng, sốt, đau bụng, khó thở, đau ngực

1.1.4       Xử trí

Bệnh đái tháo đường là bệnh mạn tính. Việc chăm sóc điều trị cần có ý kiến chuyên môn của nhân viên y tế để xác định giai đoạn bệnh, các vấn đề phối hợp, thuốc phù hợp cho từng giai đoạn bệnh.

Người bệnh và gia đình cần chú ý theo dõi cơ thể. Khi có ghi nhận dấu chứng bất thường, chúng ta cần báo cho bác sĩ biết để can thiệp kịp thời.

1.1.5       Lời khuyên dành cho người người bệnh và gia đình

  • Tập thể dục đều đặn, hoạt động cần phù hợp với độ tuổi, với tình trạng sức khỏe hiện tại của cơ thể, hạn chế các vận động có cường độ lao lực cao, có nguy cơ tai nạn cao. Duy trì đều đặn các hoạt động thể lực mỗi ngày trong tuần.
  • Nếu có các bệnh lý về tim mạch, bệnh phổi mạn tính, bệnh loãng xương, bệnh cơ xương khớp, bệnh béo phì và các bệnh lý khác…cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp.
  • Duy trì cân nặng hợp lý. Cần tham khảo chuyên viên dinh dưỡng để giúp xây dựng thực đơn phù hợp với tình trạng sức khỏe
  • Hạn chế các loại thức ăn có hàm lượng đường nhanh (đường dễ tiêu hóa) cao ví dụ như đường saccarose (từ mía), đường fructose (từ trái cây), các loại thức uống giải khát (nước ngọt)
  • Duy trì thói quen ăn uống đúng bữa, đảm bảo khối lượng thức ăn đầy đủ chất như người bình thường, không bỏ bữa, bổ sung thêm chất xơ, tinh bột hấp thu chậm. Nếu có khó khăn trong chuẩn bị bữa ăn, có thể tham khảo ý kiến chuyên viên dinh dưỡng hoặc bác sĩ.
  • Tránh uống rượu, bỏ hút thuốc lá
  • Thường xuyên kiểm tra các vết thương da (chú ý vùng chân, vùng xương cùng cụt, vị trí khuất) và chăm sóc vết thương đúng kỹ thuật.
  • Nên dành thời gian quan sát chân mỗi ngày, chú ý các vết chai da ở chân, các vết thương, các vùng móng, vùng da bị phồng giộp, vết sướt- vết loét da. Nếu có vết thương nhiễm trùng, cần phải đến khám tại cơ sở y tế phù hợp.
  • Sử dụng thuốc đúng hướng dẫn của nhân viên y tế. Vì một số thuốc có thể gây tình trạng hạ đường huyết, cần lưu ý không bỏ bữa ăn, không ăn ít hơn nhu cầu của cơ thể,
  • Chú ý ghi nhận dấu chứng hạ đường huyết (run, mệt, hồi hợp, nhịp tim nhanh, cảm giác ớn lạnh, ra mồ hôi, đói bụng cồn cào, mê), dùng viên kẹo đường để cấp cứu hạ đường (hoặc uống ly nước đường, nước ép trái cây có đường, ngậm đường cục), đồng thời báo cáo nhân viên y tế ở lần khám sau.