1.1.1 Giới thiệu
Tiêu chảy là tình trạng có đi cầu phân lỏng (nhiều nước trong phân >300ml) hoặc đi cầu nhiều lần trong ngày (>3 lần mỗi ngày). Trong thực tế, chúng ta không thể đánh giá được số lượng nước trong phân, nhưng đánh giá thông qua tình trạng phân lỏng, không đóng khối.
Bản thân tiêu chảy chỉ là biểu hiện của nhiều nguyên nhân khác nhau: thay đổi chế độ ăn, không thể tiêu hóa được thức ăn, bị ngộ độc thức ăn, nhiễm trùng tiêu hóa, bệnh lý tụy, mật, ruột… Ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến là do nhiễm trùng rotavirus và các trực khuẩn đường ruột. Ở người lớn, nguyên nhân thường là do ngộ độc thực phẩm, không tiêu hóa được thức ăn.
Biến chứng cấp của tiêu chảy là mất nước và khoáng chất. Do vậy việc nhận diện và xử trí đúng tình trạng mất nước là cần thiết để bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh đó cũng cần nhận diện các dấu hiệu phối hợp báo động để kịp thời thăm khám và điều trị phù hợp.
1.1.2 Nhận diện
Dấu hiệu đánh giá tình trạng tiêu chảy bao gồm:
- Phân lỏng, không đóng khuôn, nhiều nước trong phân.
- Đi phân nhiều lần trong ngày (>3 lần), sau đi vệ sinh vẫn còn muốn đi phân.
Dấu hiệu gợi ý nguyên nhân của tiêu chảy
- Đau bụng
- Sốt
- Đau hậu môn, cảm giác mắc cầu liên tục.
- Nôn ói
- Phân bạc màu (màu xám trắng), phân đen, phân có máu đỏ
Dấu hiệu đánh giá tình trạng mất nước
- Dấu mất nước nhẹ: Mệt mỏi, choáng váng,
- Dấu mất nước trung bình: khát nước, tóp má, lưỡi khô, mắt trũng, giảm độ đàn hồi da (dấu véo da), hạ huyết áp tư thế, nhịp tim nhanh, tiểu ít
- Dấu mất nước nặng: hạ huyết áp tư thế, huyết áp tâm thu <90mmHg, Thiểu niệu -> vô niệu, nổi vân da, lơ mơ, hôn mê, yếu liệt cơ thể
1.1.3 Dấu hiệu báo động
Các dấu hiệu báo động nguyên nhân nguy hiểm của tiêu chảy:
- Sốt
- Yếu người
- Đau bụng nhiều, không giảm sau đi cầu
- Nôn ói
- Phân có máu
Những dấu hiệu báo động tình trạng mất nước nặng, mất khoáng chất nặng cần can thiệp y khoa:
- Dấu mất nước trung bình: khát nước, tóp má, lưỡi khô, mắt trũng, giảm độ đàn hồi da (dấu véo da), hạ huyết áp tư thế, nhịp tim nhanh, tiểu ít
- Dấu mất nước nặng: hạ huyết áp tư thế, huyết áp tâm thu <90mmHg, Thiểu niệu -> vô niệu, nổi vân da, lơ mơ, hôn mê, yếu liệt cơ thể
- Dấu không thể uống được nước: Yếu người, nôn ói liên tục
1.1.4 Xử trí – điều trị
- Cho người bệnh nghỉ ngơi không làm việc nặng. Chổ nghỉ bố trí gần nhà vệ sinh để tiện việc đi phân khi có nhu cầu.
- Vẫn tiếp tục ăn uống thức ăn dễ tiêu, theo bữa để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng.
- Cần uống nhiều nước để giúp bù đắp lượng nước mất qua phân. Nếu người bệnh có sốt thì cần uống nước nhiều hơn
- Đối với trẻ nhỏ nhũ nhi, cần cho bé tiếp tục bú mẹ hoặc tiếp tục cho uống sữa đã quen dùng trước đây. Điều này giúp bù nước và cung cấp dinh dưỡng cho bé.
- Đối với trẻ lớn, có thể cho uống dung dịch nước điện giải (gói Oresol) để bù nước và điện giải
- Rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn.
1.1.5 Lời khuyên dành cho người người bệnh và gia đình
- Trong quá trình bị tiêu chảy, vẫn phải giúp người bệnh duy trì ăn uống để đảm bảo bù đắp lượng chất dinh dưỡng bị mất và đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Đối với trẻ đang cho bú sữa, tiếp tục cho bú sữa lượng nhiều hơn. Đối với trẻ nhỏ, bù nước và điện giải bằng nước trái cây hoặc nước Oresol (mua gói Oresol pha uống), dùng nhiều canh trong bữa ăn. Đối với người trưởng thành và người lớn tuổi, yêu cầu uống thêm nước bổ sung trong và ngoài bữa ăn.
- Cần chú ý vấn đề ăn uống hợp vệ sinh, nấu chín, đun sôi, tránh các thức ăn để lâu ngày, thiêu ôi – hư.
- Tránh uống nước sôđa, các loại nước ngọt giải khát có nhiều đường vì có thể làm nặng tình trạng tiêu chảy và không bù được lượng nước đang thiếu.
- Trong thời gian bị đi phân lỏng, hạn chế các loại thức ăn có chứa sữa bò (các thực phẩm làm từ sữa bò có chứa lactose), nhiều chất béo, nhiều chất đường, chất khó tiêu vì có khả năng làm nặng tình trạng tiêu chảy. Bữa ăn nên chuẩn bị với thức ăn dễ tiêu, có món canh để bù thêm nước và điện giải, người bệnh sử dụng theo nhu cầu.
- Nếu người bệnh có các dấu hiệu báo động, dấu hiệu không có khả năng uống nước, dấu hiệu mất nước nặng thì cần được đưa đến khám tại cơ sở y tế phù hợp.
- Không được tự ý dùng kháng sinh vì nguy cơ làm loạn khuẩn và làm nặng tình trạng tiêu chảy. Không tự ý dùng các loại thuốc trị tiêu chảy vì có nguy cơ che dấu chứng nguy hiểm, làm chậm trễ việc chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.