1.1.1 Giới thiệu
Chướng bụng (từ dân gian có thể là tình trạng sình hơi, chướng hơi) là một trong những than phiền thường gặp, mô tả tình trạng có nhiều hơi trong bụng gây cảm giác khó chịu, đau bụng. Tình trạng này có thể kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Người bệnh phải đi trung tiện – đại tiện để giảm bớt khó chịu.
Trong phần lớn các trường hợp, chướng bụng đơn thuần không là dấu chứng không chuyên biệt đặc hiệu cho bệnh cụ thể. Các dấu chứng phối hợp khác sẽ giúp định hướng nguyên nhân như sụt cân, báng bụng, vàng da…. Nếu không có các dấu chứng khác, tình trạng chướng bụng là sinh lý bình thường và không cần phải điều trị.
1.1.2 Nhận diện
Tình trạng chướng bụng thường được mô tả như sau:
- Bụng to ra
- Bụng gõ có tiếng âm vang
- Cảm giác khó chịu căng tức vùng bụng, vị trí đau có thể di chuyển qua lại.
- Có cảm giác hơi chạy trong ruột
- Khi đi trung tiện, đại tiện thì sẽ đỡ khó chịu.
1.1.3 Dấu hiệu báo động
Các dấu hiệu đi kèm gợi ý tình trạng bệnh nặng bao gồm:
- Đau bụng nhiều, khu trú 1 vị trí rõ
- Bụng gồng cứng
- Nôn ói
- Không thể trung tiện (xì hơi), đại tiện trong nhiều ngày
- Tiền căn đã từng có mổ vùng bụng
1.1.4 Xử trí
Đối với chướng bụng không kèm dấu hiệu báo động, chúng ta không cần phải điều trị chuyên biệt. Người bệnh được khuyên làm các động tác sau để giảm bớt khó chịu:
- Mặc quần áo rộng, nới bớt nịch quần
- Uống thêm nước để kích thích nhu động ruột, tạo cảm giác mắc cầu
- Khuyên đi trung tiện, đại tiện
- Theo dõi các dấu hiệu báo động nếu có để kịp thời đến khám tại cơ sở y tế phù hợp
1.1.5 Lời khuyên dành cho người người bệnh và gia đình
- Giảm ăn những thức ăn có nhiều chất tinh bột khó tiêu: các loại củ hạt nhiều tinh bột như khoai, sắn, đậu, hột mít-hột sầu riêng,…, các loại nhiều chất xơ như mít, cà rốt, rau sống, rau muống.
- Không dùng các loại thuốc nhuận trường, thuốc tạo cảm giác ngọt như sorbitol, đường không hấp thu dùng trong kẹo và các thức ăn dành cho người ăn kiêng.
- Nếu bị tình trạng không dung nạp lactose, tránh dùng sữa, phô mai, kem và các sản phẩm từ sữa bò (có thể sử dụng các loại sữa bột có thành phần đường từ nguồn gốc khác)
- Không mặc quần áo bó chặt, dùng dây nịt quá chặt có thể gây ngăn cản sự di chuyển của phân và hơi trong lòng ruột
- Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi cần thiết vì thuốc có thể gây loạn khuẩn ruột
- Tránh các thức ăn và đồ uống có chứa nhiều khí dư thừa như đồ uống có gas, bia
- Không ăn một lúc quá nhiều, quá nhanh, ăn trong lúc đang bị stress.
- Không uống quá nhiều nước sau bữa ăn.