loader

1.1.1       Giới thiệu

Nghẹt mũi xảy ra khi niêm mạc mũi bị sung huyết (có nhiều máu đến), sưng lên làm tăng kích thước của các cấu trúc xoắn, gây giảm thể tích các ngách mũi và cản trở dòng khí lưu thông, gây cảm giác nghẹt mũi.

Nghẹt mũi làm giảm lượng không khí được trao đổi. Nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt, giấc ngủ. Đối với trẻ em, nghẹt mũi có thể ảnh hưởng sự hoạt động bình thường của tai, sự phát triển của ngôn ngữ. Đối với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, chưa có khả năng thở bằng đường miệng, nghẹt mũi sẽ gây cản trở việc bú sữa, ăn uống và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Nghẹt mũi xuất hiện do các yếu tố như bị nhiễm cảm cúm  do siêu vi, trời lạnh-khô, dị ứng với bụi-phấn hoa- lông thú- ẩm mốc, do nhiễm trùng tại mũi. Việc xác định nguyên nhân gây nghẹt mũi là quan trọng để điều trị hiệu quả.

1.1.2       Nhận diện

Người bệnh sẽ có than phiền là cảm giác nghẹt mũi (thở khò khè vùng mũi). Bên cạnh đó, người bệnh có thêm các triệu chứng sau:

  • Chảy nước mũi: nước mũi trong –loãng, đặc có màu vàng – xám – nâu
  • Mất mùi
  • Ngứa vùng mũi – hắt xì hơi

Ngoài ra, những dấu hiệu khác có thể giúp gợi ý nguyên nhân bao gồm: sốt, đau họng, ho, đàm, đau đầu, ù tai…

1.1.3       Dấu hiệu báo động

Một số dấu hiệu sau cần lưu ý tham khảo ý kiến của nhân viên y tế:

  • Nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ
  • Chảy máu mũi nhiều
  • Khó thở nặng
  • Đau ngực hoặc khó thở
  • Sốt cao trên 39 độ C
  • Thở khò khè

1.1.4       Xử trí

  • Uống nhiều nước sẽ giúp bạn giữ ẩm đường thở và giảm nghẹt mũi.
  • Nhỏ nước muối vào mũi giúp làm loãng chất tiết và giúp hỉ mũi dễ dàng hơn.
  • Nếu nghẹt mũi nhiều, có thể sử dụng thuốc xịt mũi không kê đơn (nước muối)
  • Đối với trẻ nhỏ, có thể dùng dụng cụ – máy hút dịch mũi để hỗ trợ làm thông thoáng mũi.
  • Sử dụng máy phun khí dung tạo độ ẩm, phun thuốc co mạch mũi (có chỉ định của bác sĩ)

1.1.5       Lời khuyên dành cho người người bệnh và gia đình

  • Ngủ đủ giấc. Ngủ đủ giấc sẽ giúp cơ thể bạn chống lại nhiễm trùng và giảm các triệu chứng nghẹt mũi.
  • Tránh tiếp xúc với người bị bệnh. Nếu bạn bị nghẹt mũi, hãy tránh tiếp xúc với người bị bệnh để ngăn ngừa lây nhiễm.
  • Sử dụng khăn riêng, rửa tay thường xuyên có dùng xà phòng.
  • Uống nhiều nước. Nơi ở cần có độ ẩm phù hợp. Nếu cần bổ sung độ ẩm cho không khí có thể dùng máy tạo hơi nước.
  • Nếu có đau đầu, sốt và đau họng, có thể sử dụng thuốc giảm đau và hạ sốt như acetaminophen.
  • Trong trường hợp nghẹt mũi do dị ứng, cần hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng như bụi – phấn hoa – hóa chất – lông thú…
  • Đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, các trẻ không biết thở bằng miệng, do vậy cần đảm bảo thông thoáng mũi. Chúng ta có thể dùng dụng cụ -máy hút mũi cho trẻ. Nếu dịch mũi sệt-cứng, có thể nhỏ nước muối sinh lý để làm loãng dịch.
  • Theo dõi các dấu hiệu khác. Nếu bệnh diễn tiến nặng, có xuất dấu chứng khác (ho nhiều, đàm nhiều, đàm máu, chảy máu mũi, xanh xao,…), bệnh kéo dài, chúng ta cần thu xếp cho người bệnh đến khám tại cơ sở y tế phù hợp