1.1.1 Giới thiệu
Ho khan là ho không có đàm, thường đi kèm với cảm giác ngứa, khó chịu, kích thích vùng họng, cổ họng. Ho là triệu chứng cơ thể cảm thấy khó chịu và muốn giải quyết khó chịu đó. Trong trường hợp nặng, ho khan có thể gây khàn giọng, mất giọng.
Cần phân biệt ho khan với ho đàm. Nếu như ho khan có âm thanh trong, ho đàm có nghe tiếng đàm lục xục. Người bệnh có thể khạc ra đàm. Ho khan không đi kèm cảm giác khó thở, mệt, nặng ngực. Do vậy nếu có dấu hiệu mệt, khó thở thì cần phải khám bác sĩ.
Nguyên nhân của ho khan thường do hít phải mẫu vụn thực phẩm, khói kích thích – thuốc lá, không khí lạnh – khô, bụi… Các nguyên nhân này có liên quan đến môi trường sống. Việc điều chỉnh các yếu tố nguyên nhân sẽ chữa dứt điểm ho khan.
1.1.2 Nhận diện
Người bệnh có những dấu hiệu sau giúp gợi ý ho khan:
- Ho
- Cảm giác ngứa cổ-họng
1.1.3 Dấu hiệu báo động
Một số dấu hiệu báo động tình trạng nặng cần đến khám tại cơ sở y tế phù hợp.
- Khó thở
- Cảm giác mệt mỏi
- Sốt
- Tiếng thở khò khè
- Có từng chẩn đoán bệnh hen suyễn
- Ho kéo dài > 1 tuần
- Ho có đàm
- Dấu hiệu nguy hiểm khác
1.1.4 Xử trí – điều trị
Nếu tình trạng ho khan chỉ có thoáng qua, chúng ta không cần phải can thiệp gì.
Nếu tình trạng ho khan kéo dài, gây khó chịu, chúng ta có thể thực hiện các việc sau:
- Cho người bệnh súc miệng, khò họng bằng nước ấm, nước muối.
- Pha uống nước gừng ấm, nước mật ong ấm
- Hít ít tinh dầu bạc hà, cây trà, lá húng chanh, cỏ xạ hương, bạch đàn.
- Theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm, báo động
- Tham khảo ý kiến của nhân viên y tế phù hợp nếu ho kéo dài
1.1.5 Lời khuyên dành cho người người bệnh và gia đình
- Đảm bảo uống đủ nước trong ngày, đảm bảo miệng và đường thở được giữ ẩm (ở những người bệnh có thở miệng, phải giữ ẩm miệng).
- Có thể dùng nước ấm, trà tinh dầu, mật ong giúp làm dịu cảm giác khó chịu.
- Tránh môi trường khô lạnh. Những nơi có sử dụng máy lạnh, không khí sẽ có độ ẩm thấp, không tốt cho đường thở.
- Có thể dùng thiết bị phun hơi nước giúp làm ẩm không khí nếu không khí quá khô. Việc này giúp bảo vệ đường thở không bị khô.
- Lưu ý tránh để không khí bị ô nhiễm bởi bụi, khói, thuốc lá, ẩm mốc, mùi động vật nuôi và các chất bay hơi khác. Nếu người bệnh bị ho, đưa người bệnh đến nơi có không khí trong lành hơn, đồng thời làm vệ sinh nơi sinh sống.
- Sử dụng một số loại kẹo chứa tinh dầu, thuốc ngậm giúp giảm bớt khó chịu vùng họng.