loader

1.1.1       Giới thiệu

Cảm lạnh là thuật ngữ dân gian để mô tả các triệu chứng khi bị mắc bệnh viêm đường hô hấp trên do nguyên nhân là virus (thường là rhinovirus). Người bệnh thường sẽ có biểu hiện lạnh run, sốt, nghẹt mũi, chảy dịch mũi, đau vùng mũi – họng, ho, đau nhức cơ thể xương khớp.

Bệnh cảm lạnh thường lây truyền qua đường ho, hắt hơi hoặc do tiếp xúc trực tiếp với bề mặt có nhiễm virus (các vật dụng dùng chung, nắm tay, khăn tắm…). Bệnh cảm lạnh thường không nguy hiểm nhưng gây nhiều khó chịu, mệt mỏi.

Bệnh thường tự hết sau một hai tuần. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh có thể diễn tiến nặng gây các biến chứng khác như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm xoang nhiễm trùng.

Sốt là tình trạng có thân nhiệt cao hơn bình thường dưới tác dụng của các yếu tố gây sốt. Sốt sẽ bắt đầu bằng giai đoạn lạnh run, sau đó thân nhiệt sẽ tăng cao và giảm về bình thường khi ra khỏi cơn sốt. Sốt có thể xuất hiện trong bệnh cảm lạnh, có thể xuất hiện độc lập.

1.1.2       Nhận diện

Người bệnh có những dấu hiệu sau giúp gợi ý bệnh cảm lạnh:

  • Lạnh run từng đợt
  • Sốt, thân nhiệt >38 độ C
  • Chảy dịch mũi – nghẹt mũi – hắt xì hơi – đau vùng mũi
  • Ho
  • Đau họng

Các triệu chứng này phải mới xuất hiện, không kèm theo triệu chứng khác.

1.1.3       Dấu hiệu báo động

Bệnh cảm lạnh thường tự giới hạn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh có thể diễn tiến nặng. Do vậy chúng ta cần lưu ý một số dấu hiệu báo động để kịp thời cho người bệnh đến khám tại cơ sở y tế phù hợp;

  • Trẻ < 3 tháng tuổi
  • Sốt cao liên tục không giảm với thuốc
  • Khó thở, thở khò khè
  • Nôn mửa và tiêu chảy kéo dài
  • Co giật
  • Nổi ban đỏ trên da
  • Tê hoặc yếu ở một bên cơ thể
  • Mất ý thức

1.1.4       Xử trí – điều trị

  • Cho người bệnh nghỉ ngơi nhiều hơn, nằm nghỉ tại giường, hạn chế làm những việc nặng kéo dài
  • Nếu người bệnh đang lạnh – run, sử dụng thêm mền đắp giữ ấm thêm. Nếu người bệnh đang nóng, nhiệt độ cao, sử dụng khăn ướt lau mát vùng mặt – cổ – thân người, có thể dùng quạt để thổi gió mát.
  • Hạn chế tiếp xúc với nhiều người để tránh lây nhiễm, đồng thời có thời gian cho người bệnh nghỉ ngơi.
  • Sử dụng khăn riêng, rửa tay thường xuyên có dùng xà phòng.
  • Sử dụng thuốc giảm đau và hạ sốt. Thuốc giảm đau và hạ sốt như acetaminophen có thể giúp giảm đau đầu, sốt và đau họng.
  • Theo dõi các dấu hiệu khác. Nếu bệnh diễn tiến nặng, có xuất dấu chứng khác (ho nhiều, đàm nhiều, đàm máu, chảy máu mũi, xanh xao,…), bệnh kéo dài, chúng ta cần thu xếp cho người bệnh đến khám tại cơ sở y tế phù hợp

1.1.5       Lời khuyên dành cho người khiếm khuyết và gia đình

  • Dành thời gian nghỉ ngơi dưỡng bệnh ở nhà, không đi làm để hạn chế lây nhiễm
  • Chú ý ngủ đủ giấc vào buổi tối, ngủ thêm giấc sáng khi cơ thể mệt
  • Hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, mang khẩu trang, sử dụng dụng cụ cá nhân riêng (ly, tách, khăn, đồ chơi, vật dụng khác) để hạn chế lây nhiễm
  • Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước – nước trái cây. Nước sẽ giúp cho cơ thể bù lại lượng nước mất do sốt, giúp họ cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Chuẩn bị bữa ăn có thức ăn dễ tiêu hóa, lượng vừa đủ để ăn theo khả năng, có thể chia nhiều bữa nhỏ trong ngày
  • Rửa tay thường xuyên
  • Súc miệng – khò họng bằng nước muối giúp đỡ khó chịu vùng họng, giảm nghẹt mũi.
  • Mặc đồ đủ ấm
  • Sử dụng thuốc theo toa của nhân viên y tế, không dùng thuốc không rõ điều trị.
  • Nếu diễn tiến trở nặng, có dấu hiệu nguy hiểm thì phải đến khám và điều trị tại cơ sở y tế phù hợp.