Có nên chỉ định tìm H.Pylori
Trên bệnh nhân có bằng chứng về loét dạ dày tá tràng trên lâm sàng, thì việc chỉ định tìm H.Pylori là cần thiết. Lý do là tỷ lệ hiện mắc H.Pylori cao trong dân số không có bệnh. Bên cạnh đó, trên một bệnh nhân cụ thể, không nhất thiết tình trạng nhiễm H.Pylori có liên đới đến tiên lượng xấu hoặc bị bệnh dài hạn. Việc chỉ định tầm soát và điều trị rộng rãi không chọn lọc đưa đến vấn đề « dương tính giả », dẫn đến bệnh nhân chịu nhiều tác dụng phụ – có hại của điều trị hơn là tình trạng nhiễm H.Pylori đơn thuần. Trong bối cảnh y học gia đình, đặc điểm này thể hiện chính xác mô hình chăm sóc lấy bệnh nhân làm trung tâm (patient centered care) và vai trò bảo vệ quyền lợi bệnh nhân của bác sĩ gia đình, tránh can thiệp y khoa không cần thiết (dự phòng cấp 4).
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không có tiền căn về loét dạ dày – tá tràng (có bằng chứng cụ thể), lâm sàng có hay không có dấu chứng đường tiêu hóa của viêm loét dạ dày tá tràng thì chỉ định tìm H.Pylori chưa nên đặt ra.
Nhiều nghiên cứu thực nghiệm khác nhau hiện cho kết quả không thống nhất về lợi ích mang lại từ việc điều trị H.Pylori trên nhóm bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tiêu hóa nhưng không có ổ loét tại dạ dày (Nonulcer Dyspepsia). Gần đây, có 2 nghiên cứu gộp (Meta-analyses) đã được xuất bản về nội dung này.
Nghiên cứu của Moayyedi và cộng sự khảo sát trên 9 nghiên cứu thực nghiệm, 2 trong số đó cho thấy có ích. Kết quả cho thấy rằng điều trị H.Pylori có lợi hơn so với nhóm chứng, hoặc nhóm chỉ dùng ức chế bơm proton (RR tương đối là 1,09 với khoảng tin cậy 95% là 1,04-1,14). Lợi ích mang lại tương đối khiêm tốn. Cần phải điều trị 15 người để có thể mang lại lợi ích cho 1 bệnh nhân (Chỉ số Number needed to treat là 15 người).
Nghiên cứu của Laine và cộng sự khảo sát trêm 7 nghiên cứu thực nghiệm. Kết quả không thống nhất với nhận định của Moayyedi. Kết quả cho thấy chỉ số chênh OR của nhóm điều trị so với nhóm chứng là 1.2 với khoảng tin cậy 96% là 0,98 – 1,6. Điều này đồng nghĩa với việc điều trị dự phòng H.Pylori chưa chứng minh được hiệu quả so với nhóm chứng. Sự khác nhau về kết quả giữa 2 nghiên cứu được giải thích một phần do tiêu chuẩn khảo sát và nghiên cứu lấy vào đánh giá khác nhau.
Từ 2 nghiên cứu trên, chúng ta có thể ghi nhận rằng:
- Điều trị diệt H.Pylori là có hiệu quả trong điều trị bệnh dạ dày có bằng chứng loét dạ dày.
- Hiệu quả mang lại từ điều trị diệt H.Pylori là thấp trên bệnh nhân có rối loạn tiêu hóa nhưng không có vết loét trên dạ dày.
- So với tác dụng phụ và giá thành của phác đồ điều trị H.Pylori, việc điều trị H.Pylori trên bệnh nhân không loét dạ dày-tá tràng cần phải được xem xét trên từng ca bệnh cụ thể, không nên dùng phổ quát