Các yếu tố nguy cơ nhiễm H. Pylori
Yếu tố nguy cơ của nhiễm bệnh được nhiều nghiên cứu đề cập đến chủ yếu là liên quan đến tình trạng môi trường sống và các điều kiện xã hội liên quan. Cụ thể, mật độ nhà, độ tập trung dân số, nguồn nước sinh hoạt, số thành viên anh chị em cùng gia đình, thói quen sinh hoạt chia sẻ đồ dùng trong gia đình được xem là các yếu tố chính lan truyền mầm bệnh
Mối liên hệ này cũng được minh chứng bởi sự giảm tỷ lệ hiện mắc của người dân Nhận Bản song song với việc cải thiện tình trạng kinh tế tại quốc gia này xuyên suốt từ năm 1950 đến 1970. Kết quả tỷ lệ hiện mắc từ 70-80% của thế hệ người sinh trước năm 1950 giảm xuống còn 25% ở những người sinh giữa 1960-1970. Sự giảm này được qui cho những cải thiện về kinh tế và điều kiện vệ sinh môi trường sống tại Nhật Bản.
Các yếu tố về giới tính, nhóm tuổi không được cho là yếu tố nguy cơ đặc thù của bệnh. Các kết quả tìm thấy hiện nay về vấn đề này được cho là bị ảnh hưởng gây nhiễu của mẫu nghiên cứu chọn lọc hoặc những bệnh lý phối hợp kèm theo.
H.Pylori được cho là lan truyền qua thức ăn – thức uống bị nhiễm vi trùng này. Do vậy có 3 cách thức lây bệnh chính:
- Đường phân – miệng: nhiều bằng chứng ủng hộ cho phương thức lây truyền này. H. pylori có thể được loại ra ngoài cơ thể qua đường phân cùng với tế bào niêm mạc dạ dày tróc ra. Vi khuẩn sẽ lưu trú tạm trong môi trường bên ngoài, lây nhiễm theo nguồn nước và hiện diện trong thức ăn.
- Đường miệng – miệng: H. pylori được tìm thấy ở mảng vôi răng và trong nước bọt. Tuy nhiên, có một số chứng cứ không ủng hộ cho phương thức lây truyền này vì H. pylori rất khó phân lập khi nuôi cấy từ mảng vôi răng và nước bọt.
- Đường dạ dày – miệng: với sự phổ biến của phương pháp nội soi tiêu hóa, khi dụng cụ nội soi không được khử khuẩn tốt, vẫn tiềm tàng nguy cơ nhất định lây nhiễm H.Pylori.
Sau khi nhiễm vào ký chủ, vi trùng tấn công vào lớp biểu mô bảo vệ của niêm mạc dạ dày. Cơ chế tấn công của vi trùng là thông qua việc tiết ra một số men và độc chất; ngoài ra việc kích thích phản ứng viêm tại chổ cũng là một cơ chế quan trọng.
Bằng các cơ chế trực tiếp và gián tiếp này, lớp tế bào biểu mô của dạ dày – thực quản bị tổn thương, thể hiện bằng tình trạng viêm mãn tính tại dạ dày, tại thực quản. Một khi lớp biểu mô bị tổn thương, phần mô phía dưới sẽ bị tấn công bởi dịch acid tiết từ dạ dày gây tổn thương loét thường gặp.