Điều trị H.Pylori
Bệnh nhân có nhiễm H.Pylori, đang có loét dạ dày – tá tràng gây triệu chứng thì có thể có chỉ định điều trị. Mục tiêu điều trị là nhằm diệt H.Pylori nhằm tạo điều kiện cho vết loét mau lành hơn, hạn chế biến chứng do ổ loét có thể gây ra.
Theo đồng thuận quốc tế, trong phác đồ điều trị tiệt trừ H. pypori phải kết hợp một loại thuốc ức chế tiết acid mạnh và ít nhất 2 loại kháng sinh tùy theo mức độ nhạy cảm kháng sinh của vi khuẩn và của từng quốc gia. Theo Maastricht IV [73], năm 2012, đã thống nhất phác đồ tiệt trừ H. pylori cần một ức chế tiết acid mạnh + ít nhất 2 loại kháng sinh và hiệu quả tiệt trừ phải ≥ 80%. Điều trị thuốc: thuốc điều trị có thể kéo dài 7-14 ngày bao gồm:
- Ức chế tiết dịch acid của dạ dày, góp phần cho vết loét mau lành: ức chế bom proton như lansoprazole, omeprazole, pantoprazole, rabeprazole, dexlansoprazole, esomeprazole.
- Phối hợp từ 2 đến 3 nhóm thuốc kháng sinh khác nhau cho phép hạn chế đề kháng thuốc. Tuy nhiên, các nghiên cứu so sánh trực tiếp không nhiều. Do vậy, khó biết được phác đồ nào hiệu quả hơn phác đồ nào. Việc lựa chọn kháng sinh còn tùy thuộc vào mức độ nhậy cảm của vi trùng theo vùng dịch tễ.
- Theo Graham, phác đồ 3 thuốc chứa Clarithromycin sẽ mất tác dụng (Tỷ lệ thành công <90%) một khi tỷ lệ kháng thuốc từ 7% đến 10%. Phác đồ điều trị nhiều bước phối hợp các nhóm thuốc khác cũng mất tác dụng nếu tỷ lệ kháng Clarithromycin từ 15% đến 20% và khi tỷ lệ kháng metronidazole đạt 40%.
- Cũng theo tác giả Graham, phác đồ sử dụng 4 nhóm thuốc (PPI, Amox, Clarith và Metro ) đồng thời hoặc tuần tự được ưu tiên khuyến cáo cho BN lần đầu tiên điều trị chống H.Pylori. Trong trường hợp nghi ngờ đề kháng Metronidazole, phác đồ 4 thuốc: bismuth – metronidazole – tetracycline – PPI trong 14 ngày là lựa chọn kế tiếp. Nếu cả 2 phác đồ trên thất bại thì phác đồ chứa levofloxacin được khuyến cáo, với điều kiện là liều lượng và thuốc dùng phải đúng theo khuyến cáo và bệnh nhân chưa bao giờ sử dụng fluoroquinilone.
- Phác đồ tuần tự được giới thiệu bao gồm dùng 10 ngày thuốc ức chế bom proton; sau đó dùng 3 loại kháng sinh (amoxicillin 1g 2 lần/ngày, levofloxacin 500mg 2 lần/ngày và tinidazole 500mg 2 lần/ngày) trong 5 ngày được sử dụng nếu nghi ngờ có kháng clarithromycin.
Tác dụng phụ: trên 50% bệnh nhân có biểu hiện bị tác dụng phụ của điều trị H.Pylori. Chính tác dụng phụ này ngăn cản BN tuân thủ điều trị, làm tăng nguy cơ kháng thuốc. Các tác dụng phụ này bao gồm:
- Thuốc metronidazole, clarithromycine gây cảm giác có vị kim loại trong miệng
- Metronidazole dùng trên người có sử dụng chất có cồn sẽ gây triệu chứng nhức đầu, buồn nôn, ói, đổ mồ hôi, ban da.
- Bismuth có thể gây phân có màu đen, táo bón.
- Kích thích dạ dày gây đau thượng vị, tiêu chảy.
Theo dõi: Việc theo dõi là cần thiết để đánh giá hiệu quả điều trị. BN có thể đươc hẹn tái khám và làm xét nghiệm đánh giá. Tìm kháng thể trong máu của H.Pylori không nên chỉ định vì đây là xét nghiệm gián tiếp, hơn nữa kháng thể có thể tồn tại lâu sau đó. Tìm ure qua hơi thở hoặc nội soi đánh giá vết loét cùng H.Pylori là xét nghiệm cần lựa chọn để theo dõi.