loader

Ở bài viết trước chúng ta đã được tìm hiểu về cách xử trí khi trẻ bị sặc sữa, bột cháo… Thì ở bài viết này Phòng khám YHGĐ Minh Anh chúng tôi sẽ hướng dẫn cho các bậc cha mẹ, ông bà, người chăm sóc trẻ cách phòng tránh việc sặc sữa, bột, cháo cho trẻ.

Sau đây là những lưu ý mà các bố mẹ có thể tìm hiểu để giải quyết kịp thời và phòng ngừa trẻ bị sặc cháo, bột, sữa…

– Không cho trẻ ăn uống khi nằm hay ngủ. Cho trẻ ăn từ từ từng muỗng nhỏ, không nên quát mắng dọa nạt hoặc bày cho trẻ hững trò chơi quá sôi nổi trong khi ăn, đùa giỡn quá trớn dễ khiến cho trẻ mất tập trung và vội vàng rong khi nuốt, dẫn đến nghẹn, sặc.

– Lựa chọn thức ăn phù hợp với lứa tuổi của trẻ và chế biến sao cho trẻ nhai, nuốt dễ dàng.

– Khi trẻ bú nên bồng trẻ trên tay với tư thế đầu và vai cao hơn chân, khi trẻ ọc sữa, cần nghiêng đầu trẻ sang một bên để chất nôn không vào đường thở. Bạn nên để bé nằm gọn trong lòng mình, hơi nghiêng người bé ở góc khoảng 30 – 45 độ so với thân trên của mẹ. Không nên vừa nằm vừa cho con bú.

+ Nếu cho bé bú bình, bạn không nên đặt bé nằm thẳng mà nên để bé nằm hơi dốc người xuống phía dưới một chút (vị trí của đầu cao hơn chân). Bình sữa cũng cần dốc xuôi về phía núm vú để tránh trường hợp bé hít không khí trước khi hút được sữa.

+Sau khi bú xong, bạn nên bế dựng và để đầu bé tựa vào ngực mình, rồi nhè nhẹ vỗ vào lưng bé. Làm như vậy sẽ giúp bé đẩy hết phần khí đang chiếm chỗ trong dạ dày. Hoặc bạn có thể đặt bé nằm, đầu kê cao 15 độ so với mặt giường, đầu tiên nằm nghiêng phải trong 30 phút, sau đó nằm thẳng. Tốt nhất không nên cho bé ngủ ngay sau khi bú để tránh tử vong đột ngột.

– Khi cho trẻ ăn các trái cây có hạt như dưa hấu, na… cần loại hết các hạt ra.

– Kiểm tra cẩn thận thực phẩm khi chế biến, đặc biệt là tôm, cua, cá… Cần phải xay nhuyễn, lọc qua phần thịt, xương và vỏ kỹ càng trước khi đem chế biến.

– Trẻ vừa ăn xong phải cho uống nước để trôi, tuyệt đối không cho trẻ nằm ngửa ngay sau khi ăn.

– Chú ý khi cho trẻ nhỏ ăn, hạn chế nô đùa, hỏi chuyện trẻ

– Cho trẻ ăn miếng nhỏ và dừng ngay khi trẻ có biểu hiện ho khi đang ăn.

– Khi ăn, phụ huynh nên bế trẻ hoặc để trẻ ngồi, không cho ăn khi trẻ đang nằm.

– Đối với trẻ lười ăn, không chịu há miệng khi cho ăn, một số bà mẹ thường bịt mũi để trẻ phải há miệng ra, điều này hết sức nguy hiểm bởi trẻ sẽ hít vào kèm luôn cả thức ăn qua đường miệng

– Khi trẻ đang bị khó thở do bệnh lý phổi, tim, hết sức chú ý khi cho ăn vì trong trường hợp này trẻ rất dễ bị sặc hoặc bị trớ, nôn

– Không cho trẻ chơi với những đồ vật như hòn bi, hạt quả… khi trẻ còn nhỏ.

– Cho dù trẻ ăn được ít hay nhiều, cũng nên dừng bữa ăn sau 30 phút. Nếu kéo dài sẽ khiến hai mẹ con mệt mỏi, thức ăn để lâu dễ bị vữa, không đảm bảo dinh dưỡng.

~st~