Tổng quan về triệu chứng ho?
Về cơ bản, ho là một trong số ít các biểu hiện bệnh lý của hệ hô hấp, là tình trạng kích thích của đường hô hấp trên và dưới. Khi đánh giá một bệnh nhân đến khám vì lý do là “ho”, người bác sĩ lâm sàng cần nhớ những điều sau:
- Tất cả những người khỏe mạnh hiếm khi nào ho
- Ho là một phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm làm sạch đường thở. Tuy nhiên, ho cũng là biểu hiện của tình trạng khó thở, suy hô hấp, có thể là phản ứng đối với tình trạng khó chịu tại vùng hầu – họng. Do vậy, vấn đề “ho” cần phải được đánh giá một cách nghiêm túc để không sót bệnh.
Các nguyên nhân thường gặp nhất của ho cấp bao gồm nhiễm trùng (thông thường là nhiễm siêu vi hô hấp trên, viêm phế quản, viêm thanh quản), dị ứng (thường thay đổi theo mùa) và hội chứng chảy dịch mũi sau.
Các nguyên nhân thường gặp nhất của ho mãn (ho kéo dài trên 3 tuần lễ) bao gồm viêm phế quản mãn, hội chứng chảy dịch mũi sau, hen phế quản, hội chứng trào ngược dạ dày thực quản. Bên cạnh đó còn phải kể đến các nguyên nhân thường gặp khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim, lao phổi, ung thư phổi…
Đối với trẻ em, các nguyên nhân của ho tái diễn bao gồm bệnh viêm đường hô hấp trên do siêu vi, hen phế quản, viêm phế quản siêu vi, dị ứng..
Đặc điểm bệnh nhân và ho
Nhiễm trùng đường hô hấp do tác nhân siêu vi là nguyên nhân gây ho cấp thường gặp nhất ở tất cả các lứa tuổi. Điều này càng đúng với trẻ em, đây là nhóm đối tượng đang trong giai đoạn “tập luyện miễn dịch”. Trẻ sẽ lần lượt mắc bệnh và phát triển miễn dịch đối với các chủng siêu vi thường trú trong vùng mũi miệng.
Nếu như giai đoạn dưới 2-3 tuổi, trẻ sống chủ yếu trong nhà, tiếp xúc chủ yếu với cha mẹ và người thân là những người đã miễn dịch tốt với siêu vi, khả năng bị lây nhiễm bệnh siêu vi hô hấp là thấp. Khi trẻ đến độ tuổi đi nhà trẻ (thông thường là từ 3 tuổi), việc tiếp xúc với các trẻ khác cùng lớp cho phép tác nhân gây bệnh có thể dễ dàng lây lan bệnh từ trẻ này sang trẻ khác một cách nhanh chóng, đôi khi có thể phát triển thành dịch tại địa phương. Chính tại thời điểm chuyển tiếp từ môi trường gia đình sang môi trường nhà trẻ, phụ huynh của trẻ có thể ghi nhận trẻ mắc bệnh về hô hấp nhiều hơn, khoảng cách giữa các đợt bệnh ngắn hơn và đôi khi bệnh diễn tiến kéo dài hơn. Việc nắm bắt được đặc điểm dịch tể này có thể giúp giải thích cho phụ huynh, đồng thời giúp gợi ý chẩn đoán nhanh bệnh và tác nhân gây bệnh.
Nói như vậy không đồng nghĩa là các trẻ chưa đến tuổi đi học không mắc bệnh. Lý do là vì tác nhân virus gây bệnh có thể nằm lơ lửng trong không khí, dây nhiễm trong các vật dụng vệ sinh cá nhân. Và trên hết là virus có thể lây nhiễm từ những người trưởng thành khác sống chung trong gia đình với trẻ. Những người này sẽ đem tác nhân siêu vi từ môi trường làm việc bên ngoài về nhà và lây nhiễm cho trẻ. Điểm này phù hợp với thể siêu vi cúm (influenza virus) với đặc điểm thay đổi chủng siêu vi nhanh, thay đổi kháng nguyên bề mặt nhanh dẫn đến kháng thể đã hình thành trong quá khứ không có khả năng dự phòng bệnh. Hậu quả là cả người trưởng thành đã có miễn dịch với các chủng virus cúm cũ vẫn có thể mắc bệnh mới và truyền bệnh cho trẻ.
Một điểm cần lưu ý khác là viêm phế quản do nguyên nhân siêu vi có thể bị tái nhiễm nhiều lần trong năm. Do vậy bệnh này có thể gây ho kéo dài liên tục trong năm nhất là ở những trẻ nhỏ đang trong giai đoạn tập luyện miễn dịch. Vai trò của gen cũng đã được chứng minh. Có thể một số gen có biểu hiện kháng nguyên bề mặt đặc biệt, kháng nguyên này có lẽ có ái tính chuyên biệt với một số tác nhân, do vậy có thể giải thích tình trạng viêm phế quản tái diễn thường gặp ở một số người.
Đối với bệnh nhân trẻ, có triệu chứng ho tái diễn thường xuyên, có tiền căn dị ứng hoặc có yếu tố gia đình về vấn đề dị ứng, chàm da, hen phế quản, chúng ta cần phải để ý đến chẩn đoán hen phế quản ở những đối tượng này.
Đối với trẻ trong độ tuổi đi học, tác nhân gây bệnh viêm phổi mycoplasma pneumonia cũng thường gặp. Do quá trình ủ bệnh tương đối kéo dài (khoảng 21 ngày), bệnh có thể diễn tiến và lây lan một cách thầm lặng. Viêm phổi do vi khuẩn cũng là một nguyên nhân gây ho, có tần suất mắc cao vào mùa đông và là chẩn đoán cần ưu tiên đánh giá loại trừ nhất là đối với người cao tuổi, người đang mắc nhiều bệnh lý phối hợp, người suy giảm miễn dịch hoặc có các yếu tố nguy cơ khác.
Ho kéo dài ở trẻ nhỏ thường do tác nhân là viêm họng dị ứng, viêm xoang mãn hoặc do phì đại các hạch bạch huyết (bao gồm viêm amidan). Đặc biệt cần chú ý ở những trẻ nhỏ nhũ nhi hoặc sơ sinh, triệu chứng ho sớm sau sinh cũng có thể là dấu báo hiệu một bất thường bẩm sinh hoặc di chứng của một nhiễm trùng chu sinh (mặc dù có thể tần suất phát hiện không cao). Một trong những nguyên nhân ho kéo dài tương đối hiếm ở trẻ bao gồm viêm phổi do hít sữa, nước miếng hoặc thức ăn hoặc xơ hóa phổi (cystic fibrosis liên quan đến bất thường của gen). Ho mãn tính ở trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 5 tuổi có thể là dấu hiệu gợi ý của bệnh dãn phế quản hoặc các bệnh lý di truyền hiếm gặp một khi chúng ta loại trừ các nguyên nhân gây ho thường gặp khác. Cả trẻ em và người trưởng thành, tình trạng ho mãn tính xuất hiện nhiều vào thời điểm ngủ có thể là biểu hiện của hội chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Ho mãn tính ở người trong độ tuổi trưởng thành thường do nguyên nhân viêm phế quản mãn tính (đặc biệt là ở những người hút thuốc lá), hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng chảy dịch mũi sau, dị ứng, phản ứng với các tác nhân môi trường và thói quen. Đối với những người không hút thuốc lá với kết quả X quang bình thường, chỉ riêng hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng chảy dịch mũi sau và hen phế quản đã chiếm 85-99% nguyên nhân ho mãn tính. Ở những người đứng tuổi, ho kéo dài mà không có chẩn đoán phù hợp cần hướng đến tìm kiếm nguyên nhân ung thư phổi, lao phổi.