Theo Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ năm 2010, đái tháo đường (ĐTĐ) là một nhóm bệnh chuyển hóa với đặc trưng là tăng glucose máu do hậu quả của việc khiếm khuyết tiết insulin hoặc khiếm khuyết tác dụng insulin hoặc do cả hai.
Bệnh ĐTĐ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, rối loạn chức năng và suy nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu.
Một trong những biến chứng ảnh hưởng lớn đến vận động, sinh hoạt và khả năng lao động của bệnh nhân đó là biến chứng bàn chân do ĐTĐ.
Khi có vết thương bàn chân, do không đau đớn nhiều nên bệnh nhân chủ quan thường tự chữa trị, chỉ nhập viện khi vết thương ở giai đoạn muộn, hoại tử nhiễm khuẩn nặng, chỉ chờ đợi để can thiệp ngoại khoa.
Như chúng ta đã biết, vết thương bàn chân ở bệnh nhân ĐTĐ có nguy cơ cắt cụt chi dưới cao từ 10-15 lần so với người không bị ĐTĐ. Đây là sự phối hợp của một hay nhiều yếu tố liên quan hoặc không liên quan đến bệnh ĐTĐ xảy ra trước đó đối với bệnh nhân như: Tổn thương thần kinh (bệnh thần kinh ĐTĐ), tổn thương động mạch (thiếu máu nuôi dưỡng), tổn thương tĩnh mạch sâu (viêm, huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, phù nề, loét), biến dạng cấu trúc bàn chân (thay đổi hình dáng bàn chân, thay đổi điểm tựa…), loạn dưỡng (bệnh lý thần kinh, hạ đường huyết mạn tính, khô da), chấn thương, nhiễm khuẩn… được gọi tên là Bệnh lý bàn chân đái tháo đường.
Vết thương bàn chân đôi khi chỉ khu trú ngoài da có vẻ đơn giản như một vết xước, loét nông, tiến triển đến nhiễm trùng. Nếu đề kháng kém, vết thương loét sâu hơn, hoại tử phần mềm lan đến dây chằng, khớp, xương, có thể phối hợp bệnh lý động mạch nói trên làm vết thương ngày càng trầm trọng gây hoại tử, thiếu máu không thể bảo tồn được, hậu quả là phải cắt cụt chi dưới.
Thông qua bài viết này, rất mong các bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ và thân nhân hiểu được tầm quan trọng của việc tự chăm sóc bàn chân ĐTĐ, đồng thời cung cấp những kiến thức cơ bản và dễ thực hiện nhất cho họ để góp phần làm giảm loại biến chứng này, giúp cho người bệnh ĐTĐ có cuộc sống tốt hơn.