loader
l

1.1.1       Giới thiệu

Suyễn là bệnh lý về hô hấp đặc trưng bởi hiện tượng viêm đường dẫn khí (ống phế quản nhỏ), làm hạn chế dòng không khí thoát ra khỏi phổi (tắc nghẽn chủ yếu ở thì thở ra). Việc tắc nghẽn này gây ra các triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm khó thở khò khè, ho, nặng ngực, thở gấp khi gắng sức.

Bệnh suyễn do nhiều nguyên nhân bao gồm những chất kích thích trong không khí (bụi, phấn hoa, nước hoa, mùi, hóa chất,…), môi trường sống, nhiễm trùng, vận động, tâm lý, di truyền.

Việc điều trị bệnh tập trung vào dự phòng tốt bệnh suyễn để người bệnh có thể sinh hoạt và làm việc bình thường, hạn chế số lượng cơn suyễn. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải xử trí cơn suyễn đúng phương pháp để tránh bị nguy hiểm.

1.1.2       Nhận diện

Cơn suyễn bao gồm các dấu chứng sau:

  • Cảm giác khó thở không liên quan vận động
  • Tiếng thở rít thì thở ra, thì thở ra kéo dài
  • Vào cơn khó thở đột ngột
  • Ho khạc đàm (có thể có hoặc không có đàm)
  • Không có sốt

1.1.3       Dấu hiệu báo động

Các dấu hiệu báo động cấp cứu:

  • Khó thở nhiều
  • Mặt và môi bị tái xanh, tím ở giai đoạn rất nặng
  • Người bệnh kích thích, bức rức
  • Da rịn mồ hôi
  • Run tay, run chân, run cơ thể
  • Giải tri giác, không còn tỉnh táo

Dấu hiệu quản lý bệnh suyễn chưa tốt

  • Tăng số lần lên cơn khó thở trong ngày, trong tuần
  • Tăng số lần dùng thuốc chữa cơn
  • Khoảng cách giữa các cơn khó thở bị rút ngắn
  • Tình trạng khó thở ảnh hưởng đến vận động, sinh hoạt trong ngày

1.1.4       Xử trí – điều trị

1.1.4.1     Xử trí nhanh

Khi người bệnh vào cơn hen cấp, một số giải pháp điều trị như sau:

  • Cho người bệnh nằm nghiêng đầu cao
  • Cởi bớt quần áo cho thông thoáng, mở cửa sổ cho thông thoáng
  • Cho người bệnh sử dụng bình xịt định liều thuốc giãn phế quản (Ventolin chứa Salbutamol). Cách thức sử dụng như sau:
    • Trước khi phun, cần lắc đều ống thuốc, mở nắp bình thuốc.
    • Do người người bệnh có thể gặp khó khăn trong sử dụng, chúng ta có thể hỗ trợ xịt thuốc giúp. Cầm bình xịt chắc chắn trên tay, đảm bảo đủ lực cần thiết để nhấn bình xịt.
    • Đợi người bệnh thở ra hết, nhấn nút bình và xịt thuốc vào miệng người bệnh. Yêu cầu người bệnh nên hít từ từ và giữ hơi trong thời gian khoảng 10 giây rồi mới thở chậm ra.
    • Nếu ghi nhận người bệnh không hít đủ lượng thuốc, chúng ta có thể xịt thêm nhát thứ hai. Đối với người bệnh không thực hiện tốt, chúng ta nên lưu ý trang bị buồng đệm (mua tại các nhà thuốc chuyên khoa)
  • Trấn tĩnh người bệnh, theo dõi các chỉ số sinh hiệu, theo dõi mức độ đáp ứng thông qua cảm giác khó thở, nhịp thở, tiếng thở rít và chỉ số SpO2
  • Nếu tình trạng khó thở chưa cải thiện, tiếp tục xử dụng thuốc mỗi 20 phút
  • Nếu người bệnh không đáp ứng, chuyển người bệnh đến các cơ sở y tế có chức năng cấp cứu phù hợp

1.1.4.2     Xử trí lâu dài

  • Nếu số cơn suyễn xuất hiện nhiều, cần đến khám bác sĩ để được đánh giá lại tình trạng bệnh và bổ sung thuốc ngừa cơn
  • Ghi nhận các yếu tố khởi phát cơn suyễn, thời điểm xuất hiện, tần suất xuất hiện, mức độ ảnh hưởng của khó thở, thời gian cơn, mức độ đáp ứng của thuốc. Cần thông báo cho bác sĩ ở lần khám kế tiếp
  • Chủ động làm sạch môi trường sống, hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây suyễn

1.1.5       Lời khuyên dành cho người người bệnh và gia đình

Gia đình và người bệnh cần ghi nhận thông tin tại thời điểm lên cơn suyễn: thời điểm, các yếu tố tiếp xúc, thuốc đang dùng, thời gian ra cơn… Các thông tin này sẽ rất hữu ích cho việc xác định nguyên nhân, đãm bảo tính hiệu quả trong điều trị.

Làm giảm hoặc loại bỏ càng nhiều càng tốt các yếu tố khởi phát cơn suyễn. Nếu có liên quan đến lông – chất tiết của thú nuôi, cần tránh xa thú nuôi hoặc không cho nuôi thú tại nơi sinh sống. Nếu có liên quan đến bụi trong mùng mền chiếu gối thì cần giặc giũ thường xuyên, mở cửa phòng cho thông thoáng. Nếu có liên quan phấn hoa thì cần mang khẩu trang, chuẩn bị thuốc cấp cứu khi đi ra ngoài. Hạn chế các loại bụi mịn trong nhà bằng cách làm vệ sinh để tránh bụi bám.

Dùng thiết bị lọc không khí hoặc máy điều hòa nhiệt độ (cũng giúp lọc không khí) để giúp không khí trong nhà được sạch hơn. Lưu ý có trường hợp sẽ có lên cơn suyễn khi tiếp xúc với không khí của máy điều hòa, trường hợp này thì cần tránh dùng máy điều hòa.

Điều trị bệnh suyễn sớm, ngay khi bệnh còn nhẹ, mới phát. Điều trị càng sớm càng hiệu quả.

Khi triệu chứng trở nên nặng hơn, người bệnh cần đến khám bác sĩ để đánh giá lại việc điều trị.

Chú ý cách thức sử dụng các loại thuốc phun khí dung, bình xịt định liều. Tùy vào tình trạng bệnh mà sử dụng phương thức phun thuốc phù hợp. Sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ vì có thuốc uống hằng ngày, có thuốc dùng khi vào cơn suyễn.

Khi lên cơn suyễn, cần hạn chế vận động, cần nghỉ ngơi, sử dụng thuốc cắt cơn và yêu cầu người trợ giúp