loader

1.1.1       Giới thiệu

Ho là phản xạ tự nhiên quan trọng để giữ cho họng và đường thở được sạch và thông thoáng. Ho đàm là dạng ho đặc biệt có đặc điểm là có chất tiết xuất hiện trong cơn ho, thể hiện đàm là nguyên nhân của ho, gợi ý khả năng có bệnh vùng mũi – họng – khí quản – phổi.

Nguyên nhân thường gặp của ho đàm là viêm hô hấp trên do vi trùng. Bệnh thường tự giới hạn nên có thể theo dõi và điều trị tại nhà trong phần lớn các trường hợp ho đàm. Tuy nhiên, một số nguyên nhân bệnh khác cũng có khả năng xuất hiện, do nếu ho đàm kéo dài, kèm những dấu chứng báo động thì cần phải tham khảo ý kiến của nhân viên y tế.

1.1.2       Nhận diện

Ho đàm được nhận diện thông qua các dấu chứng:

  • Ho có âm trầm hơn ho khan, có âm thanh lọc xọc của đàm
  • Khạc đàm
  • Sau khạc đàm tình trạng ho có cải thiện

1.1.3       Dấu hiệu báo động

Bệnh viêm phế quản cấp do siêu vi là nguyên nhân thường gặp nhất của ho đàm. Bệnh này thường tự giới hạn, chỉ gây ho đàm trong vài ngày. Tuy nhiên những bệnh khác nặng hơn cũng có thể gây ho đàm, do vậy cần lưu ý một số dấu hiệu báo động:

  • Khó thở
  • Thở khò khè
  • Sốt cao
  • Đàm lượng nhiều, ra liên tục
  • Đàm có màu sắc lạ: vàng, xanh, đỏ, nâu sậm màu
  • Đàm có mùi tanh, mùi hôi
  • Ho kéo dài > 3 tuần

1.1.4       Xử trí – điều trị

Một số hoạt động hỗ trợ người bệnh bị ho đàm

  • Cho người bệnh súc miệng, khò họng bằng nước ấm, nước muối.
  • Cho uống thêm ly nước để giúp cơ thể có nước, làm mềm đàm
  • Pha uống nước gừng ấm, nước mật ong ấm
  • Hít ít tinh dầu bạc hà, cây trà, lá húng chanh, cỏ xạ hương, bạch đàn.
  • Đối với người lớn, khạc đàm không hiệu quả, thực hiện vỗ lưng hỗ trợ khạc đàm.
  • Theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm, báo động
  • Tham khảo ý kiến của nhân viên y tế phù hợp nếu ho kéo dài

1.1.5       Lời khuyên dành cho người người bệnh và gia đình

  • Đảm bảo uống đủ nước trong ngày, đảm bảo miệng và đường thở được giữ ẩm (ở những người bệnh có thở miệng, phải giữ ẩm miệng).
  • Có thể dùng nước ấm, trà tinh dầu, mật ong giúp làm dịu cảm giác khó chịu.
  • Tránh môi trường khô lạnh. Những nơi có sử dụng máy lạnh, không khí sẽ có độ ẩm thấp, không tốt cho đường thở.
  • Có thể dùng thiết bị phun hơi nước giúp làm ẩm không khí nếu không khí quá khô. Việc này giúp bảo vệ đường thở không bị khô.
  • Lưu ý tránh để không khí bị ô nhiễm bởi bụi, khói, thuốc lá, ẩm mốc, mùi động vật nuôi và các chất bay hơi khác. Nếu người bệnh bị ho, đưa người bệnh đến nơi có không khí trong lành hơn, đồng thời làm vệ sinh nơi sinh sống.
  • Sử dụng một số loại kẹo chứa tinh dầu, thuốc ngậm giúp giảm bớt khó chịu vùng họng.
  • Không tự ý dùng các loại thuốc kháng ho vì nguy cơ làm nặng thêm tình trạng đàm, gây khó thở, ngạt thở.
  • Không tự ý dùng các loại thuốc kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ vì gây nguy cơ kháng thuốc.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi dưỡng bệnh ở nhà, không đi làm để hạn chế lây nhiễm (vì phần lớn nguyên nhân của ho đàm là viêm nhiễm đường hô hấp)
  • Theo dõi các dấu chứng báo động và đến khám tại cơ sở y tế phù hợp.