1.1.1 Giới thiệu
Đau họng là tình trạng khó chịu, đau hoặc ngứa vùng họng, gây cảm giác nuốt đau- nuốt khó và có thể cảm giác ngứa gây ho. Bệnh gây tình trạng sưng viêm của các tuyến bạch huyết vùng họng, amydale, loét niêm mạc họng, khẩu cái mềm.
Bệnh thường do nhiễm virus trong bệnh cảnh cảm cúm – viêm hô hấp cấp. Trong một số trường hợp, vi khuẩn liên cầu Streptococcus cũng có thể gây bệnh. Đây là tác nhân gây bệnh thấp khớp – thấp tim, để lại nhiều di chứng cho cơ thể. Do vậy tác nhân này cần phải được điều trị hiệu quả và kịp thời để tránh di chứng.
Một số nguyên nhân khác cũng có thể gây đau họng như các chất ô nhiễm môi trường, khói thuốc là, không khí khô, sử dụng các thức ăn – thức uống quá nóng – quá lạnh, trào ngược dịch vị từ dạ dày, nói chuyện quá lớn làm tổn thương phù thanh quản – họng.
1.1.2 Nhận diện
Người bệnh có những dấu hiệu sau:
- Khó chịu – đau vùng họng
- Khó nuốt – nuốt vướng
- Họng đỏ sung huyết
- Tuyến amydale sưng to – hạch sau họng sưng to
1.1.3 Dấu hiệu báo động
Một số dấu hiệu báo động tình trạng nặng của đau họng bao gồm:
- Tiếng thở khò khè
- Tiếng ho kiểu thanh quản (ho ỏng), tiếng rít của thanh quản (do phù hẹp thanh quản)
- Khó thở
- Sốt cao
- Ợ nóng-ợ chua
- Có loét nhiều niêm mạc miệng – khẩu cái – lưỡi – niêm mạc má
1.1.4 Xử trí
- Uống nhiều nước, nước trái cây để giúp cung cấp nước cho cơ thể
- Súc miệng, khò nước vùng họng với nước súc miệng, nước muối ấm giúp làm dịu các cảm giác khó chịu vùng họng
- Ngậm thuốc sát trùng hoặc kẹo ho để làm dịu cảm giác khó chịu tại họng
- Uống các loại trà thảo dược như rễ cam thảo, cây khuynh diệp, cúc cam giúp giảm các triệu chứng đau họng
- Đối với trẻ em, có thể dùng các loại thuốc tinh dầu – mật ong để pha nước ấm uống, giúp giảm triệu chứng của họng.
1.1.5 Lời khuyên dành cho người bệnh và gia đình
- Phần lớn các trường hợp đau họng là do nhiễm siêu vi. Bệnh sẽ thường tự giới hạn và hết sau vài ngày. Sử dụng kháng sinh sẽ không có hiệu quả điều trị, làm tăng nguy cơ kháng thuốc và ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe
- Người bệnh nên được nghỉ ngơi nhất là trong giai đoạn cấp có nhiều triệu chứng phối hợp: sốt, ho, khạc đàm, mệt…
- Theo dõi thêm, nếu có các dấu hiệu báo động thì cần phải tham khảo ý kiến của nhân viên y tế