loader

1.1.1       Giới thiệu

Sốt là tình trạng thân nhiệt của cơ thể cao hơn mức bình thường. Ngưỡng cao của thân nhiệt là >37,5 độ C (nếu đo ở nách) hoặc >38 độ C (nếu đo ở miệng, hậu môn, màng nhĩ). Sốt là dấu chứng của nhiều nguyên nhân bệnh khác nhau. Các dấu hiệu phối hợp khác sẽ giúp gợi ý nguyên nhân gây bệnh.

Trong phần lớn các trường hợp, nguyên nhân gây sốt là nhiễm virus. Do vậy bệnh có diễn tiến thường là đơn giãn, có thể được chăm sóc ở nhà.

Tuy nhiên, có tỷ lệ nhất định sốt diễn tiến nặng. Do vậy việc theo dõi các dấu hiệu báo động là cần thiết. Bên cạnh đó, các dấu chứng phối hợp khác cũng cần được đánh giá để xác định những nguyên nhân nguy hiểm và giúp điều trị phù hợp.

1.1.2       Nhận diện

Sốt được thể hiện bằng các dấu chứng

  • Thân nhiệt cao: >37,5 độ C (nếu đo ở nách) hoặc >38 độ C (nếu đo ở miệng, hậu môn, màng nhĩ)
  • Da nóng khô – ẩm
  • Người bệnh than có cảm giác lạnh, run

Các dấu hiệu có thể đi kèm, giúp gợi ý nguyên nhân gây sốt:

  • Ho
  • Đau họng
  • Khó thở
  • Đau bụng
  • Nổi ban da
  • Đau răng
  • Đau tai
  • Co giật
  • Lơ mơ
  • Các dấu chứng khác

Khi có dấu chứng phối hợp, đây được xem là trường hợp sốt có nguyên nhân. Chúng ta cần tham khảo ý kiến của nhân viên y tế để điều trị phù hợp, giúp bảo vệ sức khỏe của người bệnh

1.1.3       Dấu hiệu báo động

Sốt thường do nguyên nhân siêu vi, bệnh thường tự giới hạn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh có thể diễn tiến nặng. Do vậy chúng ta cần lưu ý một số dấu hiệu báo động để kịp thời cho người bệnh đến khám tại cơ sở y tế phù hợp;

  • Trẻ < 3 tháng tuổi
  • Sốt cao liên tục không giảm với thuốc, sốt >39 độ C
  • Khó thở, thở khò khè
  • Nôn mửa và tiêu chảy kéo dài
  • Co giật
  • Nổi ban đỏ trên da
  • Tê hoặc yếu ở một bên cơ thể
  • Sốt li bì, không linh hoạt, mất ý thức
  • Trẻ bị mất nước (mắt trũng, uống nước háo hức, tiểu ít).
  • Sốt kéo dài >7 ngày
  • Có những bệnh lý nặng phối hợp: tim mạch, hô hấp, huyết học

1.1.4       Xử trí – điều trị

Khi có người bệnh bị sốt, chúng ta có thể thực hiện các hoạt động sau:

  • Cho nghỉ ngơi tại giường, mặc áo thông thoáng
  • Nếu người bệnh than có lạnh, run, cần đắp thêm mền, giữ kín gió
  • Nếu người bệnh có thân nhiệt tăng cao, dùng quạt gió, mở cửa phòng thông thoáng, lau mát bằng khăn với nước ấm
  • Cho uống nhiều nước trắng, nước trái cây
  • Theo dõi thân nhiệt, nhịp tim, tri giác
  • Có thể sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol (liều theo cân nặng, sử dụng 4 lần uống mỗi ngày)
  • Theo dõi các dấu hiệu khác. Nếu có dấu hiệu báo động thì cần chuyển đến cơ sở y tế phù hợp.

1.1.5       Lời khuyên dành cho người khiếm khuyết và gia đình

  • Dành thời gian nghỉ ngơi dưỡng bệnh ở nhà, không đi làm để hạn chế lây nhiễm
  • Uống nhiều nước và chất khoáng, ăn thức ăn dễ tiêu hóa
  • Mặc quần áo nhẹ nhàng, thông thoáng. Giữ cho không khí trong phòng được thông thoáng
  • Chỉ lau mát bằng nước ấm, không sử dụng bất kỳ chất lạ khác (rượu, chanh, tinh dầu). Tuyệt đối không lau người bằng nước đá vì sẽ làm tăng thân nhiệt trung tâm
  • Khi người bệnh đang bị ớn lạnh, run, không được lau mát vì sẽ làm lạnh hơn
  • Khi người bệnh có thân nhiệt cao, người nóng – ẩm, rịn mồ hôi, có thể lau mát, tắm nhẹ sẽ giúp cho người bệnh được dễ chịu, hạ nhanh thân nhiệt.
  • Thu xếp thời gian để đưa người bệnh đến khám nhân viên y tế phù hợp để điều trị đúng nguyên nhân và đạt hiệu quả tối ưu.
  • Sử dụng thuốc theo toa của nhân viên y tế, không dùng thuốc không rõ điều trị.
  • Nếu diễn tiến trở nặng, có dấu hiệu nguy hiểm thì phải đến khám và điều trị tại cơ sở y tế phù hợp.