Bệnh động mạch ngoại biên là thuật ngữ đề cập đến những bệnh lý của những động mạch cung cấp máu cho não, các cơ quan, tay, chân (hay còn gọi là bệnh lý mạch máu chi dưới). Bản thân bệnh là tiến trình phát triển qua nhiều giai đoạn từ trẻ, tích lũy dần theo thời gian. Do vậy một khi bệnh bắt đầu có triệu chứng thì thường đã ở giai đoạn bệnh nặng, có thể có hậu quả nghiêm trọng thậm chí tử vong.
Mặc dù tổn thương xơ vữa động mạch đã được biết đến từ nhiều thế kỉ, biểu hiện hậu quả trên lâm sàng của bệnh chủ yếu ở các động mạch có kích thước trung bình, các động mạch lớn như động mạch chủ và động mạch chậu có thể bị ảnh hưởng và di chứng thường gặp là phình động mạch và các biến chứng của phình động mạch. Tổn thương xơ vữa sớm nhất của bệnh có thể tìm thấy ở trẻ nhỏ với dạng tổn thương được gọi là vệt mỡ, trong khi những tổn thương nặng hơn được tìm thấy ở người lớn. Tổn thương xơ vữa tiến triển theo thời gian.
Về mặt nguyên nhân gây bệnh xuất hiện, tình trạng xơ vữa động mạch được coi là nguyên nhân phổ biến nhất (chiếm 90% trường hợp). Bệnh thường gây ra các tình trạng tắc nghẽn hoặc các biến chứng tại vùng động mạch lớn của cơ thể như động mạch chủ (động mạch lớn nhất của cơ thể chạy từ tim ra) và các nhánh của nó. Hậu quả của bệnh là mạch máu bị dầy lên do các mảng xơ vữa, làm hẹp lòng mạch gây huyết khối, làm cứng thành mạch và dễ đứt gây tình trạng túi phình động mạch và vỡ động mạch. Từ các tình trạng bệnh này sẽ dẫn đến các hậu quả khác như tai biến mạch máu não, nhồi máu não, vỡ túi phình động mạch chủ… là những tình trạng nguy hiểm tính mạng
Các nguyên nhân khác của bệnh lý động mạch chiếm tỷ lệ ít gặp hơn nhưng cũng cần phải quan tâm chú ý điều trị như: bệnh Buerger, bệnh Takayashu, viêm động mạch sau xạ trị, hẹp/tắc động mạch do chấn thương. Việc chẩn đoán nguyên nhân này yêu cầu phải có những kỹ thuật khám nghiệm hiện đại.
Mặc dù việc chẩn đoán yêu cầu kỹ thuật phức tạp, các bác sĩ vẫn có thể đánh giá gián tiếp thông qua chỉ số huyết áp cổ chân – cánh tay (ABI). Chỉ số này cho phép so sánh một cách tương đối giữa huyết áp đo vùng cổ chân và huyết áp vùng cánh tay. Thông thường chỉ số này >0,9 cho thấy dòng máu đi xuống chân vẫn tốt một cách tương đối so với dòng máu đến cánh tay. Nếu chỉ số này giảm thấp thì có thể có cản trở dòng máu đi xuống chân. Nhờ vậy chúng ta có thể đoán ít nhiều về mức độ hẹp của động mạch chủ – động mạch chậu và động mạch chân. Đương nhiên việc phân tích chỉ số cần có thêm các thông tin về lâm sàng, về bệnh lý phối hợp. Do vậy việc diễn giải kết quả cần có ý kiến của bác sĩ mới có độ chính xác cao.
Kỹ thuật thực hiện cần có đến máy siêu âm và bác sĩ có kinh nghiệm. Hiện phần lớn các bệnh viện đều có thể đánh giá được chỉ số này. Do vậy người bệnh có thể yêu cầu đánh giá chỉ số này nếu cần hoặc nếu bác sĩ nhận định thấy cần thiết.
Việc chẩn đoán sớm bệnh cho phép điều trị sớm, phòng ngừa biến chứng về sau. Vậy bạn hãy đặt câu hỏi về bệnh lý xơ vữa mạch máu và xin ý kiến bác sĩ về việc đo đạt chỉ số này vào lần khám sau.