Tổ chức y tế thế giới WHO khuyên dùng chỉ số khối cơ thể (BMI) đế đánh giá phân loại tình trạng dinh dưỡng. Ở người lớn BMI thường được sử dụng để phân loại tình trạng thiếu cân hay thừa cân, béo phì. BMI phụ thuộc vào khối cơ, khối chất béo và tổng lượng nước cho cơ thể. Lưu ý rằng khi đánh giá BMI ở những người trẻ tuổi hoặc những vận động viên thì khối cơ bắp quyết định cân nặng của họ, còn ở những người cao tuổi hoặc ít vận động thì cân nặng chủ yếu do khối lượng mỡ.
Theo WHO, việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng dành cho cộng đồng châu Á dựa theo BMI thì ngưỡng phân loại thấp hơn.
Cách tính chỉ số khối cơ thể là lấy cân nặng (tính theo kg) chia bình phương chiều cao (tính theo metre)
Bình thường: 18,5-23
Suy dinh dưỡng chia làm 3 mức độ
- Nhẹ:17-18,5
- Trung bình: 16-17
- Nặng: <16
Thừa cân và béo phì
- Tiền béo phì: 23-25
- Béo phì độ 1: 25-30
- Béo phì độ 2: >= 30
BMI có ưu điểm là phương pháp theo dõi trọng lượng dễ thực hiện với dụng cụ đơn giản, kết quả thu được nhanh chóng. Là phương pháp được sử dụng thông dụng nhất để xác định được tình trạng béo phì lẫn nhẹ cân. BMI cần được xem là chỉ số tiên lượng kết quả bệnh tật trên lâm sàng (BMI quá thấp hoặc quá cao đều có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ bệnh tật cũng như tỷ lệ tử vong). Mặt khác BMI cũng có nhược điểm là phương pháp theo dõi trọng lượng có độ nhạy kém khi sử dụng độc lập (vì bị ảnh hưởng bởi đặc điểm di truyền hay những tình trạng bệnh lý như tiêu chảy hoặc phù).
Phương pháp này không dùng để phát hiện sự thiếu hụt dinh dưỡng trong thời gian ngắn hoặc thiếu hụt các chất dinh dưỡng đặc hiệu. BMI chỉ liên quan đến sự phân bố rộng khắp của phần trăm chất béo trong cơ thể chứ không mô tả về kích cỡ thân hình,không thể phân biệt được giữa những người nặng cân vì chất béo và những người nặng cân vì khối cơ bắp. Điều này có thể dẫn đến kết quả là những người nặng cân do luyện tập thể thao có nhiều cơ bắp dễ bị xếp loại nặng cân hay béo phì. Ngược lại ở những người ít vận động và những người bị mất đi khối cơ bắp thì BMI lại đánh giá thấp lượng chất béo trong cơ thể của họ so với thực tế.
Nhược điểm: để đo được BMI phải đo được cân nặng và chiều cao của bệnh nhân. Khi bệnh nhân không tự đứng được như bệnh nhân bị di chứng tai biến mạch máu não, gãy cổ xương đùi thì việc đo cân nặng,chiều cao của bệnh nhân sẽ gặp không ít khó khăn.Ngoài ra đo BMI sẽ không chính xác khi bệnh nhân có tình trạng phù, báng bụng….