Sau khi tiêm đủ liều vắc-xin cơ bản, kháng thể tạo ra sẽ có tác dụng bảo vệ cơ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Đối với một số vắc-xin, lượng kháng thể này sẽ giảm dần theo thời gian. Khi đó, hệ miễn dịch của trẻ có thể không có đủ khả năng bảo vệ trước sự tấn công của mầm bệnh. Vì vậy, cần tiêm nhắc lại cho trẻ để giúp làm tăng thêm nồng độ kháng thể và tăng cường hiệu quả bảo vệ của hệ miễn dịch.
Nhiều loại vắc-xin cần được tiêm nhắc lại như vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib, thủy đậu, viêm não Nhật Bản, bại liệt, phế cầu…Việc tiêm nhắc mỗi bệnh tùy thuộc vào khuyến cáo của nước và theo như thông tin của nhà sản xuất. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng người bệnh có cần tiêm nhắc hay không trong một số trường hợp đặc biệt ví dụ như tiêm ngừa uốn ván cho phụ nữ mang thai, tiêm ngừa cúm cho người cao tuổi có bệnh tim phổi, tiêm ngừa nhắc lại vaccin cơ bản cho trẻ bị suy giảm miễn dịch – suy dinh dưỡng.
Hiện nay, các hướng dẫn về chủng ngừa trên thế giới và ở Việt Nam khuyến cáo về thời gian giữa các đợt tiêm như sau:
- Cần tiêm chủng đủ số mũi tiêm chủng cơ bản của chương trình y tế quốc gia phòng chống bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, lao, sởi, bại liệt và viêm gan B
- Trong trường hợp trễ hơn so với lịch, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết tiêm nhắc thời điểm nào hoặc có cần phải tiêm lại từ đầu
- Chương trình Tiêm chủng mở rộng của Việt Nam quy định trẻ 4 tháng tuổi tiêm mũi DTP thứ 3 (đợt tiêm cơ bản) và trẻ 18 tháng tuổi tiêm mũi DTP thứ 4 (đợt tiêm nhắc).
- Đối với vaccin ngừa uốn ván, cần tiêm nhắc sau mỗi 10 năm hoặc trong những tình huống chuyên biệt như sau chấn thương – vết thương, mang thai, người cao tuổi.
- Đối với vaccin ngừa cúm cần tiêm mỗi năm nhất là người có bệnh phổi mạn tính