Tiểu máu là hiện tượng trong nước tiểu có nhiều hồng cầu. Bình thường, màng lọc cầu thận giữ không cho hồng cầu ra nước tiểu. Tiểu máu có hai loại chính:
Tiểu máu đại thể là khi lượng hồng cầu trong máu nhiều nên nước tiểu nhìn bằng mắt thường có thể thấy màu đỏ hoặc vàng sậm, thậm chí có thể thấy cục máu đông, dây máu ra theo nước tiểu.
Tiểu máu vi thể là khi lượng hồng cầu trong nước tiểu ít, không đủ để làm đổi màu nước tiểu nên chỉ được xác định khi quan sát dưới kính hiển vi.
Nguyên nhân tiểu máu:
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng tiểu máu, trong đó nhiễm khuẩn đường tiết niệu là nguyên nhân hàng đầu. Vi khuẩn thâm nhập đường tiết niệu, gây viêm và làm tổn thương niêm mạc niệu đạo, bàng quang, niệu quản….
Triệu chứng của viêm đường tiết niệu phụ thuộc vào vị trí bị viêm như sốt cao, tiểu buốt, tiểu gắt (viêm niệu đạo, bàng quang); sốt cao, rét run, đau hố thắt lưng… (viêm thận – bể thận).
Sỏi đường tiết niệu cũng là nguyên nhân thường gặp ở bệnh nhân đi tiểu ra máu nhiều lần. Sỏi có thể ở nhiều vị trí khác nhau của đường tiết niệu như sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và thậm chí sỏi kẹt ở… niệu đạo.
Sỏi hệ tiết niệu gây tiểu máu khi sỏi di chuyển xuống dưới làm tổn thương lớp niêm mạc đường tiết niệu. Sỏi tiết niệu có thể được xác định dễ dàng bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như chụp Xquang, siêu âm…trước khi quyết định biện pháp điều trị.
Làm gì khi bị tiểu máu?
Khi nghi ngờ bị tiểu máu, nhất thiết phải đến ngay một cơ sở y tế gần nhất có đủ phương tiện chẩn đoán và đội ngũ thầy thuốc có kinh nghiệm để xác định rõ bạn có bị tiểu máu hay không và nếu có, nguyên nhân nào gây nên tiểu máu. Tuyệt đối không nên tự điều trị bằng kháng sinh, thuốc cầm máu, các thuốc không rõ nguồn gốc cũng như chậm trễ trong việc đến khám sẽ làm nặng thêm tình trạng bệnh.