loader

Rái tai là một chất sệt đến đặc giống như sáp nằm ở ống lổ tai mà dân gian thường hay gọi là “cứt rái” và trong y khoa gọi là “sáp tai”. Bản thân chất này do những ống tuyến của da ống tai tiết ra (nằm 2/3 ống tai ngoài là vùng được che phủ bởi da và sẽ có thể tạo rái tai). Vai trò của rái tai là nhằm dọn dẹp các chất dơ có trong ống tai bao gồm cát – bụi, vi trùng và cả côn trùng nếu rớt vào tai. Ngoài ra rái tai cũng có vai trò rào cản giúp giảm chấn thương trực tiếp lên màng nhĩ của tai… Do vậy có thể nói là rái tai có vai trò tốt, giúp bảo vệ cho tai.

Rái tai được tiết ra từ các ống tuyến trên da. Nếu dịch tiết nhiều thì rái tai sẽ lỏng có màu vàng sậm. Nếu tiết ít thì rái tai sẽ tương đối khô cứng đôi khi kết với các chất dơ khác tạo nhiều màu sắc khác nhau. Về mặt sinh học tự nhiên, chất rái tai sẽ tự rớt ra ngoài. Trong một số trường hợp nhất là với trẻ nhỏ, rái tai được tạo ra nhiều và không tự rớt, nó có thể tạo thành khối cứng chẹn trong ống tai gây kích thích ngứa tai, nghe kém.

Việc vệ sinh lấy rái tai có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức. Thông thường tăm bông được sử dụng để lấy rái tai lỏng, hoặc dụng cụ rái tai giúp lấy rái tai khô. Nếu rái tai khó ra, có thể sử dụng một số dung dịch hỗ trợ như nước muối sinh lý, acid boric. Thông thường có thể kết hợp Hydrogen peroxide (nước ôxy già) pha với nước muối sinh lý nhỏ vào tai 5-10 giọt (nhỏ vào vành tai và cho nước tự chảy vào ống tai), đợi cho nước sủi bọt lên rồi cho nước chảy ra khỏi tai, lau bằng bông thấm nước là được. Nếu các giải pháp trên không hiệu quả, bạn có thể đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ phù hợp.