Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quan trọng của trẻ trong những tháng đầu đời khi mà cơ thể trẻ chưa hoàn thiện. Theo thời gian, trẻ lớn dần, nhu cầu về khối lượng dinh dưỡng cũng tăng dần. Bên cạnh đó, trẻ cũng cần đến những chất dinh dưỡng đa dạng khác mà sữa mẹ không cung cấp. Chính vì vậy, bác sĩ khuyên rằng nên cho trẻ bắt đầu ăn dặm thêm thức ăn khác bên cạnh sữa mẹ bắt đầu từ tháng thứ tư. Điều này không đồng nghĩa với việc thay thế sữa mẹ, mà thật ra là cung cấp thêm nguồn dinh dưỡng khác bên cạnh các cữ sữa mẹ đã có.
Quá trình chuyển từ sữa mẹ hoàn toàn sang sữa mẹ một phần kèm thức ăn đặc cần có thời gian để trẻ làm quen và cơ thể của trẻ kịp trưởng thành. Một số yếu tố giúp cho quá trình này có thể diễn ra được tốt.
- Tập cho trẻ ăn sớm từ tháng thứ 4, không chờ đến tháng thứ 6 vì trẻ chưa có ý thức lựa chọn thức ăn. Điều này giúp trẻ làm quen được nhiều vị khác nhau, dễ chấp nhận thức ăn về sau, ăn được rau củ…
- Khởi đầu ăn từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc dần, từ mềm đến cứng… Khi bắt đầu ăn dặm, có thể pha một số loại bột dinh dưỡng chung với sữa. Ban đầu pha loãng, sau đặc dần, từ từ chuyển sang dùng cháo và cuối cùng là dùng cơm mềm.
- Tập cho trẻ ăn được mọi thức ăn của người lớn. Điều này tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc nhiều loại thức ăn khác nhau, nhiều khẩu vị khác nhau, kích thích việc ăn uống của trẻ. Một ưu điểm khác là do sử dụng thức ăn giống như người lớn, việc chuẩn bị thức ăn cho trẻ sẽ dễ hơn vì chỉ cần trích lấy thức ăn mỗi bữa của người lớn.
- Chú ý thay đổi món ăn, màu sắc, chế biến hợp khẩu vị để trẻ thèm ăn… Hàng ngày nên đảm bảo đủ 4 nhóm thức ăn, không cần nhiều nhưng ngày nào cũng có.
- Cùng thức ăn bổ xung giảm dần số lần bú của trẻ trong ngày cho đến lúc dứt sữa hẳn 18-24 tháng tùy theo khả năng tiết sữa của mẹ.
Hy vọng thông tin này hữu ích cho nhiều người