loader

Phù là một triệu chứng thường gặp. Tuy vậy có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây phù. Có nguyên nhân đơn giản không cần điều trị và có thể tự hết; có nguyên nhân mãn tính cần phải điều trị và cả những nguyên nhân có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bản thân dấu chứng phù không nói lên được nguyên nhân mà cần phải phối hợp nhiều thông tin khác nhau, xét nghiệm phối hợp kèm với phân tích của bác sĩ mới có thể phần nào định vị nguyên nhân để có thể điều trị phù hợp.

chân bị phù có kích thước to ra

Chính vì lý do này, việc tham vấn ý kiến của nhân viên y tế trước một dấu chứng phù là cần thiết. Việc sử dụng thuốc không phù hợp làm che mất dấu chứng, có thể chỉ giải quyết không còn phù trước mắt nhưng để lại những hậu quả khác nhau như suy thận, suy tim, rối loạn ion máu.
Sau đây là một số dấu hiệu gợi ý nguyên nhân, giúp chúng ta phần nào phát hiện sớm những bệnh nguy hiểm.
Thông thường phù xuất hiện ở chân do vấn đề về trọng lực, nhưng đối với người nằm lâu bất động do yếu liệt (hoặc do cao tuổi suy nhược), phù có thể xuất hiện kín đáo vùng xương cùng cụt, vùng hông lưng – vai. Thông thường dấu hiệu phù có thể phát hiện qua việc thấy bàn chân to ra về chiều, làm mang giầy – dép không vừa; hoặc việc thấy các dấu ấn của quây giầy hằn rõ trên mu bàn chân vào cuối ngày. Chúng ta có thể kiểm tra nhanh bằng việc ấn thử trên da mu chân. Nếu vết hằn sâu trên chân vẫn còn sau khi rút tay thì đó là dấu hiệu của phù.

dấu hằn trên chân vào cuối ngày

Phù xuất hiện đều ở 2 chân thường liên quan đến bệnh lý về tim mạch, suy thận, suy gan giai đoạn cuối và các bệnh lý về huyết học. Trong khi đó phù xuất hiện ở một bên chân thì gợi ý những bệnh lý về tĩnh mạch chân, bạch mạch ở chân hoặc bệnh cơ – khớp vùng chân.

Đối với trường hợp xuất hiện phù một chân ở trẻ sơ sinh, chẩn đoán có thể nghĩ đến là bệnh phù bạch huyết bẩm sinh, là một thể bệnh của nhóm chẩn đoán phù bạch huyết nguyên phát. Đặc điểm của bệnh có liên đới đến khiếm khuyết di truyền của hệ bạch huyết dẫn đến tình trạng vô sản, thiểu sản hoặc chẻ nhánh của mạng lưới mạch bạch huyết.

Ở trẻ em, viêm tắc tĩnh mạch sau chấn thương, viêm mô tế bào, viêm khớp và hội chứng chèn ép khoang cũng gây ra bệnh cảnh phù một chân. Trong khi đó, tình trạng phù hai chân thường được gây ra bởi bệnh hệ thống như viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư, giảm protein máu, hoặc phù bạch huyết nguyên phát.
Đối với những người thích mặc quần áo thắt chặt như quần jean bó, vớ quần, và vớ chật như trẻ thanh thiếu niên hoặc phụ nữ lớn tuổi, việc này cũng có thể gây phù ở một hoặc hai chân.
Ở người chạy bộ, nếu đột ngột xuất hiện đau và sưng vùng nhượng chân, có thể gợi ý đứt cơ bụng chân. Ngược lại, nếu đau xuất hiện từng đợt kèm tình trạng phù phía dưới và phía trên vùng đau thì hội chứng chèn ép khoang cần được nghĩ đến.
Ở phụ nữ béo phì, tình trạng hai chân to ra từ từ tiến triển trong khi các bàn chân vẫn giữ nguyên kích thước thì có thể nghĩ đến tình trạng phù mỡ ứ đọng (lipedema). Tình trạng bệnh này gây ra do có tình trạng tích đọng chất mỡ tại mô kẽ của vùng chi dưới làm cẳng chân to ra, không tích tụ tại vùng bàn chân nên không gây tăng kích thước của chân, thường gặp ở phụ nữ béo phì, ảnh hưởng cùng lúc 2 chân. Trong khi đó, các bệnh lý tắc mạch bạch huyết sẽ gây phù chi dưới xuất hiện bắt đầu từ đầu xa của bàn chân và lan dần lên cẳng chân. Chính đặc điểm có hay không có bàn chân to giúp phân biệt hai thể lâm sàng này.
Ở người nghiện rượu, phù hai chân là thể phù toàn thân nên có thể nghĩ nhanh đến khả năng bệnh xơ gan dù có hay không có báng bụng. Ở bệnh nhân đái tháo đường kéo dài nhiều năm, thường có kèm tình trạng suy giảm miễn dịch và nuôi dưỡng ngoại biên vùng chi dưới. Do vậy, nếu xuất hiện phù chân (nhất là có phù khu trú) thì có thể gợi ý chẩn đoán tình trạng viêm mô tế bào, đặc biệt là nếu kèm theo các triệu chứng của phản ứng viêm như nóng và đau.


Phù chân do suy tĩnh mạch chi dưới thường gặp ở phụ nữ, thường xuất hiện không đồng đều giữa hai chân. Bệnh thường phối hợp với các dấu chứng thiểu dưỡng đầu xa của chân như rụng lông, móng khô dầy, da khô, dấu chứng tuần hoàn mạch máu nông dưới da, không có biểu hiện của phản ứng viêm tại chổ.
Ở những bệnh nhân bị suy tim hoặc xơ gan, phù chân thường là biểu hiện nằm trong bệnh cảnh của các dấu chứng toàn thân phối hợp của bệnh nguyên phát. Ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, phù và đau vùng xung quanh khớp gối có thể do vỡ nang Baker (phần thoát ra của bao hoạt dịch vùng khớp gối), đôi khi gây bệnh cảnh giống như giả viêm tắc tĩnh mạch (pseudophlebitis).


Phù chân vùng trước xương chày ở bệnh nhân có nhịp tim nhanh, lồi mắt, hoặc có các dấu hiệu khác của cường giáp gợi ý phù niêm trước xương chày, đó là dấu hiệu hiếm gặp trong bệnh cường giáp. Phù một chân có thể than phiền của bệnh nhân mắc Sarcoma Kaposi, thường gặp phối hợp trên bệnh nhân có hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).

Hy vọng các thông tin trên giúp gợi ý sớm những bệnh nặng để chúng ta có thể đến khám bác sĩ kịp thời, hạn chế hậu quả của bệnh