Thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ là bệnh về xương khớp phổ biến. Hiện nay, tỷ lệ người bị thoái hóa đốt sống cổ (THĐSC) ngày càng có xu hướng gia tăng, bệnh gặp chủ yếu ở người trưởng thành, đặc biệt ở người cao tuổi.
THĐSC ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, có thể gây các biến chứng nguy hiểm.
Vì sao bị thoái hóa đốt sống cổ?
Người bị THĐSC thường bị đau cổ khi vận động, cơn đau kéo dài từ gáy lan ra tai, đầu, vùng trán, đau từ gáy lan xuống bả vai… làm cho hoạt động phần cổ bị hạn chế. THĐSC thường gặp ở người có công việc luôn đòi hỏi cúi nhiều, ngửa nhiều hoặc thường xuyên mang vác nặng hay ngồi trước màn hình vi tính hoặc xem vô tuyến quá lâu làm sai lệch cấu trúc bình thường của cổ, dẫn tới biến đổi mô xương, dây chằng, cơ và dễ dẫn đến thoái hóa các mô cột sống hoặc hình thành các gai xương đốt sống. Người cao tuổi do ít vận động, nằm một tư thế, ăn uống thiếu chất làm cho vùng cổ, gáy không được thường xuyên cử động, hoặc chỉ giữ nguyên một tư thế làm cho máu ít lưu thông, các tổ chức nuôi dưỡng kém.
Biến chứng nguy hiểm của THĐSC
THĐSC ở giai đoạn đầu cảm thấy cổ cứng, hơi đau khi cúi xuống và bắt đầu khó xoay chuyển, sau một thời gian thấy đau nhức vùng cổ, đau nhức lan dần xuống vai, gáy, tai, đầu. Giai đoạn tiếp theo, người bệnh xuất hiện đau đầu, xoay cổ thấy đau, vướng, nhất là thỉnh thoảng bị vẹo cổ. Các triệu chứng đau nhức, tê, mỏi ở vùng chẩm, trán, lan xuống cánh tay (một bên hay cả hai tùy theo sự chèn ép vào dây thần kinh) và bắt đầu có tê cánh tay, bàn tay, ngón tay. THĐSC nếu không phát hiện, điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng như rối loạn tiền đình do thoái hóa đốt sống cổ làm tổn thương vào lỗ tiếp hợp (đau đầu, chóng mặt, buồn nôn mỗi khi đứng lên, ngồi xuống, thay đổi tư thế lúc nằm), làm cho người bệnh mệt mỏi, ăn kém, ngủ kém, lo lắng, trầm cảm, đặc biệt là người cao tuổi rất dễ bị ngã gây tai nạn.
Biến chứng đáng ngại nhất là thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, mà khi gặp phải biến chứng này thì việc điều trị không đơn giản chút nào, nhất là có chèn ép tủy sống, thậm chí còn có thể gây bại liệt một hoặc hai tay, rối loạn cảm giác tứ chi, rối loạn thực vật, chèn ép rễ thần kinh, tủy hoặc gây rối loạn thần kinh thực vật (đại tiểu tiện không tự chủ). Do vậy, cần được khám và làm các xét nghiệm để xác định THĐSC và xử lý kịp thời.
~ Sưu tầm ~