loader

Ợ hơi về bản chất không là triệu chứng của một bệnh thực thể. Nguyên nhân duy nhất của ợ hơi chính là do nuốt hơi quá nhiều. Hơi bị nuốt vào hoặc bị hút vào dạ dày qua ăn uống, sau đó hơi được đưa ngược trở ra bằng động tác ợ hơi.Trong trường hợp ợ hơi, hơi được nuốt vào thông qua động tác ăn hoặc uống. Thông thường thì uống nước gây nuốt hơi nhiều hơn so với ăn thức ăn đặc. Quá trình nuốt hơi có thể thực hiện một cách có ý thức hoặc vô ý thức do thói quen thần kinh và không liên đới đến loại thức ăn được dùng. Vấn đề nuốt hơi cũng có thể xảy ra do việc thở bằng miệng, nhai kẹo chewgum, đeo răng giả, mất răng vùng miệng. Dấu chứng đi kèm thường gặp nhất của ợ hơi là cảm giác chướng căng ở thượng vị, cùng là biểu hiện của tình trạng nhiều khí trong dạ dày. Phần lớn khí nuốt vào sẽ được ợ hơi ra ngoài. Phần khí còn lại sẽ được đưa xuống ruột. Tại ruột non, không khí phần lớn sẽ được hấp thu vào máu và chỉ chừa lại khí Nitơ trơ(chiếm khoảng 40% thể tích khí). Phần khí trơ này sẽ di chuyển xuống đại tràng và thải ra ngoài bằng hình thức trung tiện.

Triệu chứng muốn ợ hơi cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo gián tiếp của bệnh nhồi máu cơ tim thành sau nếu như có kèm theo đau nặng ngực. Tuy nhiên, tỷ lệ có bệnh nhồi máu cơ tim trong quần thể có triệu chứng này không cao. Do vậy dấu chứng này không mang tính chuyên biệt cao, cần phối hợp với các triệu chứng khác để chẩn đoán chính xác hơn. Đối với các bệnh nhân có hội chứng đại tràng kích thích, tình trạng nuốt khí có thể làm nặng thêm tình trạng rối loạn tiêu hóa và đau bụng cơ năng do tăng lượng hơi có trong đại tràng.

Yếu tố làm tăng và làm giảm triệu chứng ợ hơi : Tình trạng căng thẳng – lo âu có thể làm nặng thêm triệu chứng khó chịu và cảm giác muốn ợ hơi. Lý do là bệnh nhân có thể tăng nuốt hơi không tự ý. Các thức uống có gaz (nước ngọt có gaz, soda…), nhai kẹo chewgum, đeo răng giả có thể làm nặng thêm tình trạng nuốt hơi và ợ hơi. Tình trạng viêm mũi – nghẹt mũi gây tình trạng thở miệng, tăng nguy cơ nuốt hơi.Mặc dù ợ hơi không là dấu hiệu bệnh lý, điều này không có nghĩa là bệnh nhân không có bệnh. Các dấu chứng đi kèm khác có thể giúp gợi ý – khu trú những bệnh lý chính đi kèm. Điều quan trọng là bệnh nhân cần được đánh giá một cách tổng thể với các dấu chứng lâm sàng và bệnh sử chuyên biệt. Chúng ta cần đánh giá các triệu chứng gợi ý khác và sử dụng xét nghiệm bổ sung phù hợp. Ví dụ: siêu âm bụng tổng quát có thể được chỉ định nếu như bệnh nhân có kèm đau nhiều vùng hạ sườn phải giúp đánh giá hệ thống gan mật tụy; xét nghiệm nước tiểu có thể hữu ích nếu bệnh nhân có kèm theo đau vùng hạ vị, dấu hiệu kích thích bàng quang…

TS.BS Võ Thành Liêm